Điều tai hại nhất mà bạn học được ở trường không phải là những môn học, mà là kiểu học chỉ để đạt điểm cao.

Khi tôi còn học đại học, một sinh viên say mê với chuyên ngành triết học đã nói với tôi rằng anh ta không bao giờ quan tâm mình đạt bao nhiêu điểm, mà chỉ chú tâm mình học được gì trong môn học đó. Điều này cứ in sâu vào tâm trí tôi bởi vì đó là lần duy nhất tôi nghe thấy ai đó nói những điều này.

Đối với tôi, cũng như đối với hầu hết sinh viên, việc chấm điểm, đánh giá những gì tôi đã học hoàn toàn chi phối việc học. Tôi khá nghiêm túc, tôi thực sự quan tâm đến hầu hết các lớp học mà tôi đã tham gia, và tôi đã làm việc chăm chỉ. Nhưng, tôi chăm chỉ nhất khi tôi học cho việc kiểm tra, thi thố.

Về lý thuyết, các bài kiểm tra (test) chỉ đơn thuần như tên gọi: kiểm tra những gì bạn đã học. Học sinh học bằng cách đến lớp, nghe giảng và làm bài tập, và bài test sau đó chỉ đơn thuần là đo lường mức độ bạn đã học tốt thế nào.

Trong thực tế, hầu như tất cả mọi người đọc phần này sẽ biết, mọi thứ rất khác biệt đến mức nghe lời giải thích về cách hoạt động của việc học và bài kiểm tra cũng giống như nghe một từ mà nghĩa của nó đã thay đổi hoàn toàn. Bây giờ, cụm từ “học để thi” gần như là thừa, bởi vì đó là lúc học viên thực sự học. Sự khác biệt giữa sinh viên siêng năng và lười biếng là: người siêng thì chăm chỉ học chuẩn bị cho các bài test, còn bọn lười thì không. Chẳng có ai học ngày học đêm ở đầu học kỳ.

Mặc dù tôi là một học sinh siêng năng, hầu như tất cả việc tôi làm ở trường đều nhằm đạt điểm cao môn gì đó.

Đối với nhiều người, có vẻ lạ khi câu trên có chữ “mặc dù”. Liệu tôi nói thừa? Một sinh viên chăm chỉ học thì việc nhận toàn điểm A là điều hiển nhiên mà? Sự thắc mắc này cho thấy rằng, việc học và điểm số đã hòa vào nhau và trở thành văn hóa của chúng ta.

Các bài kiểm tra không nói lên tất cả sự học

Có tệ lắm không, khi việc học bị gắn liền với điểm số? Vâng, rất tệ. Và phải đến hàng chục năm sau khi tốt nghiệp, khi tôi đang điều hành Y Combinator, tôi mới nhận ra nó tệ đến mức nào.

Tất nhiên khi còn là sinh viên, tôi đã biết rằng việc học cho một bài test khác xa với việc học thực tế. Ít nhất, bạn không giữ lại kiến thức bạn đã nhồi nhét vào đầu vào đêm trước kỳ thi. Nhưng vấn đề còn tồi tệ hơn thế. Vấn đề thực sự là hầu hết các bài test không có khả năng đo lường những thứ mà đáng lẽ ra chúng phải đo.

Nếu các bài test thực sự là kiểm tra những gì học được, mọi thứ sẽ không tệ như vậy. Đạt được điểm cao và học tập thực sự sẽ hội tụ, chỉ là sớm hay muộn. Vấn đề là gần như tất cả các bài test cho sinh viên đều có thể bị hack dễ dàng. Hầu hết những người đạt điểm cao đều biết điều này, và biết rõ đến mức thậm chí không còn thắc mắc nữa, vì sẽ tỏ ra khờ khạo.

Đạt điểm tốt một môn học X khác với việc học rất nhiều về X, thế nên bạn phải chọn cái này hay cái kia, và không thể trách sinh viên nếu họ chọn điểm. Mọi người xung quanh đánh giá họ qua điểm số – nhà trường, nhà tuyển dụng, xét học bổng, thậm chí cả bố mẹ.

Tôi thích học, và tôi thực sự hài lòng với một số bài tiểu luận và chương trình tôi đã viết ở trường. Nhưng liệu đã bao giờ, sau khi hoàn thành bài tập, ngồi xuống và viết một bài khác chỉ cho vui? Tất nhiên là không. Tôi còn phải dành thời gian cho các môn khác. Nếu phải chọn học tập hay điểm số, tôi đã chọn điểm số. Tôi không vào đại học để nhận điểm kém.

Bất cứ ai quan tâm đến việc đạt điểm cao đều phải chơi trò này, nếu không họ sẽ bị các sinh viên khác vượt mặt. Và tại các đại học danh giá, thì hầu hết tất cả đều chơi, vì nếu ai đó không quan tâm đến việc đạt điểm cao có lẽ đã không vào học từ ban đầu. Kết quả là, sinh viên cạnh tranh nhau để tối đa hóa sự khác biệt giữa việc học và đạt điểm cao.

Tại sao các bài kiểm tra lại dễ bị hack?

Tại sao các bài test lại dễ bị hack đến vậy? Bất kỳ lập trình viên có kinh nghiệm nào cũng có thể trả lời. Nếu có một phần mềm mà tác giả không quan tâm đến việc ngăn chặn hack, thì nó sẽ dễ bị hack vô cùng.

Nhưng bạn không thể đổ lỗi cho giáo viên nếu bài test của họ dễ hack bởi vì việc của họ là giảng dạy, chứ không phải là tạo ra các bài test khó hack. Vấn đề ở đây chính là các học sinh phụ thuộc quá nhiều vào điểm số hơn là những kiến thức được học.

Các bài test dễ bị hack đến mức đã phát triển cả một ngành công nghiệp để hack nó. Đó là mục đích rõ ràng của các tổ chức luyện thi và cố vấn tuyển sinh, đồng thời cũng là một chức năng quan trọng của các trường tư.

Mặc dù,mọi người hay bàn tán cách để được tuyển vào một trường đại học tốt là phải thực sự thông minh, nhưng các nhân viên tuyển sinh tại các trường danh giá không chỉ tìm kiếm điều đó, và họ cũng thừa nhận vậy. Thế họ tìm gì? Họ tìm những người không chỉ thông minh mà còn đáng ngưỡng mộ theo nghĩa chung hơn. Và mức độ đáng ngưỡng mộ chung này được đo thế nào? Bằng cảm quan của các cán bộ tuyển sinh. Nói cách khác, họ chọn những người họ thích.

Vì vậy, tuyển sinh đại học là một bài test xem bạn có phù hợp với khẩu vị của một số người hay không. Tất nhiên, một bài test như vậy sẽ dễ bị hack. Và, bởi vì nó vừa dễ bị hack lại vừa rất có giá nên người ta hack nó điên cuồng. Đó là lý do tại sao nó bóp méo đời bạn rất nhiều và rất lâu.

Thói quen chiến thắng bằng cách hack

Nhưng, lãng phí thời gian không phải là điều tệ nhất mà hệ thống giáo dục gây ra cho bạn. Điều tệ nhất là nó dạy bạn rằng, cách để chiến thắng là hack các bài test tồi tệ. Đây là chuyện phức tạp hơn nhiều, và tôi đã chỉ nhận ra khi thấy nó xảy ra với người khác.

Khi tôi bắt đầu tư vấn ở Y Combinator cho những người khởi nghiệp, đặc biệt là những người trẻ, tôi đã rất bối rối bởi dường như họ luôn làm cho mọi thứ trở nên phức tạp. Họ hỏi, làm thế nào để huy động vốn? Bí quyết để khiến các nhà đầu tư mạo hiểm muốn đầu tư vào bạn là gì? Tôi giải thích rằng, cách tốt nhất để khiến họ đầu tư vào bạn là thực sự biến mình thành một khoản đầu tư tốt. Ngay cả khi bạn có thể lừa các nhà đầu tư vào một khởi nghiệp tồi, bạn cũng đang lừa chính mình. Bởi lẽ bạn cũng đang đầu tư thời gian vào chính công ty mà bạn đang yêu cầu họ đầu tư tiền vào. Nếu đó không phải là một khoản đầu tư tốt, tại sao bạn lại làm thế?

Tại sao những người sáng lập lại tự trói mình với những điều sai trái khi câu trả lời ở ngay trước mặt họ? Bởi vì đó là những gì họ đã được dạy. Nền giáo dục đã dạy họ rằng cách giành chiến thắng là hack bài test. Và thậm chí không cần nói với họ rằng họ đã được dạy để làm điều này. Những người trẻ hơn, những sinh viên mới tốt nghiệp, chưa bao giờ phải đối mặt với một bài test phi nhân tạo. Họ nghĩ rằng đấy là cách để thành công: rằng điều đầu tiên bạn làm, khi đối mặt với bất kỳ loại thử thách nào, là tìm ra mánh khóe để hack bài test. Đó là lý do tại sao cuộc trò chuyện sẽ luôn bắt đầu bằng chuyện gọi vốn, bởi vì điều đó được xem như một bài test. Nó đến vào thời điểm cuối. Nó lại gắn với các con số, và dường như số càng to càng tốt. Đích thị là test chứ còn gì!

Chắc chắn có nhiều thứ trên đời có thể giành chiến thắng bằng cách hack bài test. Không chỉ giới hạn ở các trường học. Và một số người, do ý thức hoặc do thiếu hiểu biết, tuyên bố rằng điều này cũng đúng với khởi nghiệp. Nhưng không phải thế. Trên thực tế, điều nổi bật nhất của các khởi nghiệp là sự liên hệ trực tiếp giữa chiến thắng và làm tốt công việc. Có những ngoại lệ, đâu chả thế, nhưng nhìn chung bạn giành chiến thắng bằng cách thu hút user, và điều user quan tâm là sản phẩm có làm được thứ họ muốn hay không.

Sao tôi phải mất quá nhiều thời gian để hiểu, tại sao những người sáng lập phức tạp hóa các công ty khởi nghiệp? Bởi vì tôi đã không nhận thức rõ ràng rằng trường học dạy ta chiến thắng bằng cách hack những bài test tồi. Và không chỉ dạy họ, mà dạy cả tôi! Tôi cũng đã được dạy để hack các bài test tồi, và đã không nhận ra điều đó cho đến hàng chục năm sau.

Tôi đã sống như thể đã nhận ra điều đó, không biết vì sao. Ví dụ, tôi đã tránh làm việc cho các công ty lớn. Nhưng nếu được hỏi tại sao, chắc tôi đã trả lời là vì họ giả dối (bogus), hoặc quan liêu. Hoặc chỉ nhăn mặt. Tôi chưa bao giờ hiểu, bao nhiêu phần trăm chán ghét của tôi đối với các công ty lớn là do cái trò chiến thắng bằng cách hack các bài test tồi.

Tương tự, thực tế là các bài test không thể hack chính là điều đã hút tôi đến với các công ty khởi nghiệp. Nhưng một lần nữa, tôi đã không nhận ra điều đó một cách rõ ràng.

Vậy là tôi đã dần tiệm cận đến một thứ mà lẽ ra chắc có thể tính bằng một công thức. Tôi đã dần dần thoát khỏi ảnh hưởng của thói quen hack các bài test tồi mà mình đã được dạy, mà không ý thức được. Liệu có bạn trẻ nào đó sắp tốt nghiệp có thể tống khứ con quỷ này chỉ bằng cách biết tên nó và gọi ra, đuổi đi? Có lẽ đáng để thử.

Nội việc vạch mặt chỉ tên hiện tượng này cũng có thể làm cho mọi thứ tốt hơn, bởi vì phần lớn sức mạnh của nó đến từ việc chúng ta coi nó là hiển nhiên. Sau khi bạn nhận ra nó, có vẻ nó là con voi trong phòng, nhưng là con voi được ngụy trang tốt. Hiện tượng này quá cũ, và quá phổ biến. Và nó chỉ đơn giản là kết quả của sự lơ là. Không ai muốn mọi thứ diễn ra như vậy. Đây chỉ là những gì xảy ra khi bạn kết hợp việc học với điểm số, sự cạnh tranh, và giả định ngây thơ về việc không thể hack.

Thật kinh ngạc khi nhận ra rằng, hai trong số những điều khó hiểu nhất với tôi – sự giả dối ở trường trung học và khó khăn trong việc khiến các nhà sáng lập nhìn thấy điều hiển nhiên – cả hai đều có cùng một nguyên nhân. Hiếm khi vấn đề lớn lại mất nhiều thời gian để ngộ ra như vậy.

Thông thường, khi ta ngộ ra gì đó, nó có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và trường hợp này không là ngoại lệ. Ví dụ, nó gợi ý rằng giáo dục có thể được thực hiện tốt hơn, và bản thân bạn cũng có thể tự sửa. Và nó cũng gợi ý một câu trả lời tiềm năng cho câu hỏi chung của tất cả các công ty lớn: làm thế nào để giống một công ty khởi nghiệp hơn? Ở đây tôi sẽ không theo đuổi tất cả những hướng đó. Điều tôi muốn tập trung ở đây là ý nghĩa của nó đối với các cá nhân.

Nhận ra các việc có test tồi

Như vậy, hầu hết những sinh viên tham vọng tốt nghiệp đại học đều có thứ gì đó mà chúng có thể muốn quên. Và nó cũng thay đổi cách bạn nhìn thế giới. Thay vì đánh giá các loại công việc khác nhau một cách lờ mờ kiểu hấp dẫn hay không, giờ đây bạn có thể phân loại chúng một cách thú vị bằng cách hỏi câu hỏi cụ thể sau: Với loại công việc này, liệu khả năng bạn thắng bằng cách hack các bài test là ít hay nhiều?

Các test có thể được chia thành hai loại: do cơ quan có thẩm quyền áp đặt và không. Các bài test không do cơ quan thẩm quyền áp đặt vốn dĩ không thể hack được, hiểu theo nghĩa là không ai tuyên bố rằng họ đang kiểm tra bất cứ thứ gì lớn hơn so với bài test thực tế. Ví dụ, một trận đá bóng đơn giản là một bài test xem ai thắng, chứ không phải đội nào giỏi hơn bởi vì đội giỏi hơn vẫn có thể thua. Ngược lại, các test do cơ quan thẩm quyền áp đặt thường chỉ là đại diện cho một thứ khác. Ví dụ, một bài test môn học không chỉ đánh giá mức độ bạn làm được trong bài test cụ thể đó, mà còn đánh giá bạn đã học môn học thế nào. Trong khi các bài test không do cơ quan thẩm quyền áp đặt nghiễm nhiên là không thể hack, thì những bài test do cơ quan thẩm quyền áp đặt phải được thiết kế để không hack được. Nhưng thường thì không phải vậy. Vì vậy, có thể khẳng định khá chính xác: các bài test tồi chính là các bài test do cơ quan thẩm quyền áp đặt.

Có thể, bạn thực sự muốn thắng bằng cách hack các bài test tồi. Nhiều người làm. Nhưng tôi cá rằng hầu hết những người nhận ra mình đang làm kiểu việc này đều không thích nó. Họ chỉ cho rằng, hiển nhiên đây là cách tiến thân, trừ khi muốn bỏ học và trở thành thợ tự do.

Đừng thắng bằng cách hack các bài test tồi

Việc hack các bài test tồi đang trở nên ít quan trọng hơn khi mối liên hệ giữa công việc và quyền hạn bị xói mòn. Và nó là xu hướng tất yếu trong thực trạng hiện nay. Lấy ví dụ trong viết văn. Các nhà văn không còn phải qua nhà xuất bản và biên tập để đến tay độc giả; bây giờ họ có thể đến trực tiếp.

Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi ngày càng nhiều người bắt đầu tự hỏi bản thân liệu họ có muốn thắng bằng cách hack các bài test tệ, và quyết định rằng không.Việc chiến thắng bằng cách hack các bài test tệ có thể gây ra sự thiếu hụt người tài, còn việc thắng bằng cách nỗ lực làm tốt sẽ đón nhận dòng người xuất sắc nhất. Và khi việc hack các bài test dở không còn quan trọng nữa, thì giáo dục sẽ thôi không dạy ta làm điều đó nữa. Hãy tưởng tượng, thế giới sẽ ra sao nếu điều đó xảy ra.

Đây không chỉ là bài học mà các cá nhân cần quên, mà là bài học mà xã hội cần quên, và chúng ta sẽ kinh ngạc về nguồn năng lượng được giải phóng ra khi đó.

Nguồn: Paul Graham