Một trong những thói quen Q thường thấy (và cũng đã thường mắc phải) trong giao tiếp là sử dụng chữ “nhưng”, nhất là ngay sau câu khen.
Ví dụ:
“Em làm tốt lắm nhưng…”
“Bài này anh thấy hay nhưng mà…”
Khi sử dụng chữ “nhưng”, chúng ta vô tình ngầm ý phủ nhận điều đã nói trước đó. Do đó, cho dù đang được khen thì người nghe sẽ thấy không vui. Điều đọng lại trong đầu họ là những gì ở vế sau.
Hoặc trong một số trường hợp, người nghe có thể cảm thấy lời khen ở vế đầu chẳng qua là cái cớ để người đối diện nhờ vả, hoặc chê mình. Điều này cũng giống như nâng lên một chút để lấy đà đạp xuống.
Một lời khuyên hữu ích Q đã nhận được khi đi làm là hạn chế sử dụng từ này. Nếu vừa muốn khen vừa muốn đưa lời khuyên thì cứ tách ra làm hai câu. Hoặc góp ý theo hướng đưa ra một hoặc hai điểm người đối diện có thể làm để trở nên tốt hơn nữa trong những lần sau. Ví dụ:
“Anh thấy bài thuyết trình của em có thông điệp rõ ràng và hình ảnh minh hoạ phù hợp. Em có thể bổ sung thêm một ví dụ liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kinh doanh của khách hàng để họ dễ hình dung hơn.”
Q đang làm theo cách trên khi giao tiếp trong công việc và cuộc sống, và nhận thấy người nghe đón nhận thông điệp mình đưa ra một cách thoải mái hơn. Và thường thì họ sẽ nghĩ cách để áp dụng lời khuyên này, thay vì phòng thủ và tự bào chữa. Mối quan hệ của Q và các bạn vì thế mà cũng tốt hơn nhiều.
Bản thân từ “nhưng”, cũng như những từ khác, đều có ý nghĩa và giá trị sử dụng riêng, và có những trường hợp nên dùng. Điều quan trọng là mình ý thức được vai trò của những từ ngữ này, và sử dụng một cách có chủ đích (mindful). Còn nếu lỡ nghe ai đó nói những từ này thì cũng không cần phải buồn làm gì, vì khả năng cao là họ cũng chỉ vô tình nói theo thói quen.