Tuần trước Q có dịp tham gia buổi Book Club và được là khách mời phỏng vấn cho tạp chí hàng tháng của Phục Hưng. Lấy chủ đề là “Thước đo nào cho cuộc đời bạn” cũng chính là tên của cuốn sách mà Q yêu thích, cuộc trò chuyện sau đây xoay quanh những suy nghĩ của mình về cuộc đời và những va vấp đã làm nên mình của ngày hôm nay.

***

Thư của Phục Hưng Books Founder

“Chúng tôi gặp nhau lần đầu ở Ý, tôi 28 tuổi từ bỏ tất cả những gì mình có và gói ghém tất cả những gì mình còn lại để đi học, còn bạn tôi, cũng ngần ấy tuổi, vừa mở một công ty riêng, đang một mình đi vòng quanh Châu Âu để gặm nhấm một chuyện buồn. Đó là một buổi tối cuối thu đầu đông, đêm xuống rất nhanh và ngoài trời lạnh buốt. Hai người trẻ xa nhà ngồi trên sân thượng, chia nhau một chai rượu đỏ vài euro mua trong siêu thị. Tôi còn nhớ mình học theo bác chủ nhà, mua thịt xông khói và dưa lưới về ăn chung. Nhưng chắc vì tôi mua loại rẻ tiền, nên vị nó chẳng ngon lành gì, thoảng chút tanh của thịt sống nữa. Tôi thấy bạn mình len lén gạn thịt ra, chỉ ăn dưa. Rất nhiều năm đã trôi qua, sau cuộc nói chuyện về những hoài bão chưa thể gọi tên và những sai lầm chưa thể bôi xóa, sau rất nhiều tổn thương và tiếp tục là những sai lầm, ngày hôm nay cả bạn và tôi, đều đã phần nào trở thành phiên bản mà chúng tôi từng hướng đến. Hành trình xa xôi đi tìm bản thân, những miếng thịt xông khói rẻ tiền quấn với dưa trong đêm đông đó, cùng những người bạn đồng chí hướng là điều đẹp đẽ nhất mà tôi sở hữu, chứ không phải là sự nghiệp hay bất kỳ tài sản nào khác. Đó, chính là thước đo cho cuộc đời tôi. Thật may mắn vì người bạn thân từ ngày ấy dù rất bận bịu với việc kinh doanh, dạy học, tập luyện để thi Ironman (ba môn thể thao phối hợp) và tình yêu mới nhưng vẫn sắp xếp đến giúp tôi chủ trì một book club định kỳ, cũng như trải lòng với độc giả của Phục Hưng trong bài phỏng vấn mà bạn sẽ đọc ngay sau đây.

Điều gì khiến anh cảm thấy thực sự tự hào và hài lòng về bản thân cho đến hiện tại?

Tôi tự hào nhất về ba thứ:

Đầu tiên là tôi thấy mình có một cuộc sống thú vị, với nhiều trải nghiệm hay. Từ việc mở các công ty khác nhau, những lúc lạnh sống lưng khi đọc email xin nghỉ của nhân viên hay nhìn vào tài khoản ngân hàng, cho đến những lần tôi dám vét hết tiền đi du lịch bụi khắp thế giới, những lần tôi hoàn thành cự ly Full Marathon với thời gian ngày một ngắn hơn, những lần yêu hết mình rồi chia tay, hay những chuyến băng rừng và lặn biển,… Tất cả những trải nghiệm đó là những câu chuyện rất thú vị mà tôi có thể tự hào kể lại cho bạn bè và những người thân yêu của mình.

Điều thứ hai là tôi hiểu bản thân hơn rất nhiều. Thông qua những trải nghiệm trên, mà chủ yếu là qua những khó khăn thử thách tưởng chừng rất lớn, tôi biết mình là ai, có những điểm mạnh và điểm yếu gì, và tôi đang sống vì điều gì. Sự hiểu biết về bản thân làm tôi trở nên tự tin và sống thoải mái hơn rất nhiều so với trước đây.

Và cuối cùng là tôi được yêu thương, rất nhiều. Trên hết là tình yêu của gia đình. Và sau đó là sự yêu quý và hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp, đối tác,… Ngoài tình yêu không điều kiện của ba má ra, thì việc yêu quý của những người khác đến từ việc tôi cư xử đàng hoàng và vì mọi người, theo cách của riêng tôi. Những mối quan hệ và sự tin yêu này của mọi người cho tôi biết là mình đang sống đúng, và con người của mình có giá trị và được mọi người đón nhận.

“Thành công sớm” liệu có phải là con dao hai lưỡi?

Chắc chắn là có!

Tôi, vừa may, vừa không may, là một người được xem là “thành công” khá sớm. Ở tuổi 24, tôi đã lên chức “Director” ở một công ty đào tạo lớn, hưởng mức lương rất cao, quản lý mười mấy nhân sự, được đại diện công ty đi thuyết trình và bàn việc hợp tác với nhiều tổ chức lớn khác trong và ngoài nước. Sau đó thì tôi nghỉ việc vì cảm thấy mình đang đi sai hướng. Và tôi mất một thời gian khá dài để nhận ra là rất nhiều thứ trước đây mình có là do đứng trên vai của một người khổng lồ, và những người khác đến với mình vì cái thương hiệu lớn của công ty. Tôi cũng khá ảo tưởng khi toàn ứng tuyển vào các vị trí cao ở các tập đoàn lớn, và tất nhiên là bị rớt. Tôi đã mặc vào một chiếc áo quá rộng so với độ chín và năng lực của mình.

Phải mất một thời gian lâu sau thì thu nhập của tôi mới bằng năm tôi 24 tuổi. Nhưng sau đó thì tăng lên rất nhanh vì đã có một nền tảng vững chắc hơn. Hiện giờ thì những người đến với tôi là vì những giá trị mà bản thân tôi có thể mang đến cho họ. Tôi cũng không quan tâm nhiều đến chức vụ hay việc được nổi tiếng, trừ khi việc mình xuất hiện giúp mình đạt được các mục tiêu cụ thể trong công việc và cuộc sống.

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay bị áp lực bởi những cột mốc trong đời, bởi những định kiến của xã hội. Anh đã từng phải chịu áp lực này chưa và anh đối diện với nó như thế nào? 

Tôi có, và nhiều nữa là khác. 

Một số áp lực tôi đã trải qua như giỏi thì phải mở công ty riêng, phải được lên báo, vào Forbes 30 under 30, thu nhập nghìn đô, phải có nhà, có xe hơi, phải cưới vợ trước 30 tuổi, phải làm việc liên tục… nói chung là rất nhiều. Tôi đã vô tình chạy theo các tiêu chuẩn này và làm mình căng thẳng đến kiệt sức. Mãi đến vài năm gần đây, tôi mới nhận ra là mình có những giá trị và thước đo riêng, không cần phải chạy theo các tiêu chuẩn mà bên ngoài đặt ra. Đây thực sự là kết quả của một quá trình nỗ lực rất dài, đến từ việc đọc sách, nói chuyện với những người đi trước (nhất là với các mentor), quan sát và lắng nghe xem phía sau những cái hào nhoáng trên báo chí và phương tiện xã hội thì những người tạm gọi là thành công đang gặp phải những vấn đề gì. Và trên hết là tôi thường xuyên chiêm nghiệm, dành thời gian để tự đánh giá và hiểu bản thân. Ngay cả bây giờ, tôi cũng vẫn liên tục làm những điều trên, nếu không thì sẽ rất dễ bị lôi vào dòng chảy chung của những định kiến xã hội.

Là người đã từng đi qua khủng hoảng tuổi 20, tuổi 25, tuổi 30…anh có chia sẻ gì với những bạn sắp phải đối mặt với khủng hoảng? 

Đầu tiên là hãy để cảm xúc của mình được thể hiện một cách tự nhiên. Khi nào mệt mỏi hay sợ hãi quá thì cứ gào khóc đi. Việc dồn nén cảm xúc, hoặc gạt phăng những vấn đề của bản thân qua một bên sẽ để lại những hậu quả lớn hơn nhiều, và có thể dẫn đến trầm cảm nặng. Thứ hai là hãy tìm sự giúp đỡ, nhất là những khi mình cảm thấy không ai giúp được mình. Hãy tin tưởng rằng ngoài kia có rất nhiều người muốn giúp đỡ mình. Nhiều khi chỉ cần nói ra được là sẽ cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Tất nhiên là mình cần chọn những người thật sự lắng nghe và muốn giúp đỡ mình. Hãy tránh những người xem nhẹ các vấn đề của bạn, và nói là bạn vẫn còn may mắn hoặc chưa đến nỗi nào vì ngoài kia còn nhiều người khổ hơn. Người có thể giúp bạn là người tôn trọng nỗi sợ và nỗi buồn của bạn. Cuối cùng là hãy giữ niềm tin là mọi chuyện sẽ tốt hơn, và chắc chắn là sẽ tốt hơn. Thời gian sẽ chữa lành các vết thương, và nhiều chuyện bây giờ bạn cảm thấy rất kinh khủng sẽ trở nên buồn cười khi mình nghĩ lại. Hoặc mình sẽ cảm thấy rất biết ơn vì nhờ những lần khủng hoảng đó mà mình định hình được tính cách và giá trị của bản thân.

Theo anh, thước đo của cuộc đời anh là gì?

Đầu tiên là có nhiều trải nghiệm hay. Khi còn nhỏ hơn, tôi đặt ra mục tiêu là “Be Awesome”. Nhưng khi đó thì “awesome” đối với tôi là phải làm những điều rất lớn lao. Bây giờ thì chỉ cần là những trải nghiệm thú vị là được. Nhiều khi chỉ cần mua bánh mì, dừng xe lại trên lề, vừa ăn vừa ngắm cảnh đẹp phố phường là tôi đã thấy “awesome” lắm rồi!

Tôi cũng muốn thấy bản thân phát triển, được học hỏi và trưởng thành hơn mỗi ngày cũng là một niềm vui lớn. Tiếp theo là tôi muốn chăm sóc và phát triển cuộc sống của những người tôi yêu quý, bao gồm cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Và cuối cùng là tôi muốn được đóng góp, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của những người khác. Tôi đang cùng đồng đội thực hiện việc này thông qua việc giúp các công ty vừa và nhỏ làm Marketing tốt hơn để bán được nhiều hàng hơn, từ đó họ sẽ thuê nhiều nhân sự hơn, và nâng cao phúc lợi cho nhân viên của mình.

Cảm ơn anh đã mở lòng chia sẻ, mong anh sẽ tạo thêm được nhiều giá trị cho cộng đồng như lý tưởng của mình!

***

Bạn có thể đọc toàn bộ tạp chí tháng 5 của Phục Hưng tại đây.