Bạn thường dành thời gian để tự đánh giá (self-reflect) về bản thân mình như thế nào? Hầu hết chúng ta hiếm khi tự đánh giá chính mình.

Đánh giá bản thân là quá trình nhìn lại con người mình, cuộc sống xung quanh và những trải nghiệm đã qua. Việc này đã được chứng minh là có thể tăng cường trí tuệ cảm xúc, giúp bạn hành động chính trực hơn và tăng sự tự tin.

Có thể trước đây bạn chưa chính thức tự đánh giá về bản thân, nhưng trong một vài dịp quen thuộc bạn đã vô tình làm điều đó:

  • Ngày đầu năm mới: Hầu hết chúng ta đều dành thời điểm đó để suy ngẫm về một năm đã kết thúc và đưa ra các quyết định để cải thiện bản thân trong tương lai.
  • Sinh nhật: Nhiều người xem ngày sinh nhật như một dịp để suy ngẫm về cuộc sống và nghĩ về những gì muốn đạt được trong thời gian tới.
  • Xin việc: Khi làm hồ sơ xin việc buộc chúng ta phải trang bị tất cả các kỹ năng và kinh nghiệm một cách đầy đủ và trung thực, đây có thể là một trải nghiệm để bạn có cái nhìn khác về bản thân mình.

Nhưng chúng ta có phải đợi đến một dịp nào đó để xem xét lại bản thân mình không? Nếu thực sự muốn cải thiện bản thân, tại sao chúng ta không tự đánh giá bản thân hàng tháng, hàng tuần, hoặc thậm chí hàng ngày?

Bạn có sẵn sàng để bắt đầu cải thiện bản thân bằng phương pháp tự đánh giá có chủ ý chưa?

Các câu hỏi đặt ra trong quá trình tự đánh giá

Để tự đánh giá bản thân một cách hiệu quả, cách tốt nhất là tự đặt câu hỏi cho chính mình.

Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?

Việc xác định điểm mạnh và điểm yếu của bạn nằm ở đâu giúp bạn giải quyết vấn đề và đưa ra những quyết định đúng đắn.

Ví dụ: Nếu bạn giỏi tổ chức, bạn có thể tình nguyện hỗ trợ tổ chức một sự kiện tại nơi làm việc và có được ý kiến ​​tốt của sếp. Hoặc là nếu bạn không thể thực hiện công việc tốt dưới áp lực, bạn không nên nhận công việc bếp trưởng tại một nhà hàng đông đúc.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng điểm mạnh và điểm yếu không phải là yếu tố sẵn có. Nếu bạn muốn thay đổi gì đó ở bản thân? Điều đó hoàn toàn có thể, bạn hãy lập kế hoạch, đặt ra mục tiêu cụ thể và thực hiện chúng từng bước. Có nhiều vấn đề khác cũng có thể giải quyết theo cách này. 

Thành tựu lớn nhất của bạn là gì?

Xác định những thành tựu lớn nhất mà bạn có thể đạt được để bạn biết được giá trị của mình nằm ở đâu. Bạn thấy tự hào nhất về điều gì, đó liên quan đến công việc, gia đình hay học vấn? Từ đó giúp bạn định hướng lĩnh vực nào trong tương lai mà bạn muốn tập trung hay rẽ sang hướng khác? 

Thất bại lớn nhất của bạn là gì?

Thất bại mang đến những kinh nghiệm học tập tuyệt vời, hãy nhẹ nhàng thừa nhận một sự cố đã xảy ra và tự đặt câu hỏi tại sao dẫn đến thất bại đó? Do thiếu tự tin? Thiếu quy hoạch? Hay do nỗi sợ? Sau đó, hãy xem xét những cách để làm khác đi và tránh lặp lại cùng một sai lầm đó.

Bạn đang có những kỹ năng gì?

Lập một danh sách bao gồm tất cả các kỹ năng hiện có, để bạn có cái nhìn tổng quát về những kỹ năng đó có phù hợp và đúng với mong muốn của bạn không? Nếu không, bạn nên học thêm điều gì đó mới bằng cách tham gia một khóa học hoặc thử một hoạt động mới. 

Ngoài ra, các kỹ năng của bạn cũng chia thành các danh mục để bạn có thể nhìn thấy những thiếu sót của mình trong một số lĩnh vực và tìm ra cách cân bằng chúng. Để có cái nhìn tổng quát nhất, các danh mục nên được chia thành: 

  • Công việc
  • Sở thích
  • Tinh thần
  • Sức khỏe
  • Thể dục
  • Xã hội

Bạn đang gặp phải vấn đề gì ở hiện tại?

Tự đánh giá cũng thể hiện được mặt tốt và mặt xấu. Chẳng hạn như đâu là nguồn gốc của mọi sự bất hạnh trong cuộc sống hiện tại của bạn, nó đến từ cuộc sống hay con người xung quanh bạn. Khi đã xác định được vấn đề đến từ đâu, bạn có thể tìm cách giải quyết nó.

  • Công việc 
  • Đối tác 
  • Môi trường sống 
  • Tài chính 

Làm thế nào bạn có thể cải thiện cuộc sống của mình?

Một cách để có ý tưởng cho câu hỏi này, đó là bạn có thể viết một đoạn mô tả ngắn về một ngày lý tưởng nhất đối với bạn, mỗi chi tiết nhỏ như nhà cửa, món ăn, sở thích, thói quen của bạn đều cần được đề cập đến. 

Sau đó, so sánh ngày lý tưởng với một ngày hiện tại của bạn, và tìm cách để có thể đưa cả hai đến gần nhau hơn theo hướng tích cực.

Những thách thức thường gặp khi tự đánh giá bản thân

Bạn có thể gặp một số vấn đề sau khi thực hành tự phản ánh:

  • Bạn quên tự đánh giá thường xuyên.
  • Bạn không chắc về điều mình nên suy ngẫm.
  • Bạn sợ phải thành thật với chính mình.
  • Bạn cảm thấy xấu hổ.

Cách để duy trì tự đánh giá bản thân

Để đảm bảo bạn luôn cam kết tự đánh giá, hãy thử các kỹ thuật sau:

  • Thêm ‘ngày tự đánh giá’ định kỳ vào lịch tuần hay tháng của bạn.
  • Nêu vài lý do tại sao bạn muốn tiếp tục tự đánh giá bản thân và đọc lại khi bạn dần mất hứng thú tự đánh giá.
  • Hãy tử tế với chính bản thân mình. Khi bạn tự đánh giá bản thân mình không cần quá khắt khe, việc này chỉ đang giúp bạn trở nên tốt hơn.
  • Giữ những đánh giá đó riêng tư, bởi vì bạn sẽ khó thành thật hơn với chính mình nếu bạn nghĩ về ý kiến ​​của người khác

Đừng để cuộc sống của bạn trôi đi theo một chế độ tự động. Hãy bắt đầu tự đánh giá về bản thân mình ngay hôm nay.

Nguồn: Lifehack