Sau khi tham gia giải trail Dalat cuối năm ngoái do SRC tổ chức và hoàn thành 42km đợt HCMC Run tháng 1 vừa rồi, mình cảm thấy vừa tự tin vừa chưa thỏa mãn lắm, vì chưa được nếm mùi “hit the wall” mà mọi người thường kể. Thế là mình đăng ký Vietnam Jungle Marathon (VJM) 42km.

Và kỳ vọng thì đã bị vượt. Xa!

25km đầu tiên khá thoải mái. Sau đó, thử thách thật sự xuất hiện, và mỗi chặng đường là một cuộc chiến.

Cuộc chiến lớn nhất đối với mình – và chắc là với tất cả những ai chạy 25km và 42km – là với ngọn núi nhọn hoắc mang tên The Killer hay The Spike dựng đứng 80 độ, với khoảng 2km leo núi và 1.5km xuống núi liên tục.

Nếu như chặng lên là thời gian dành cho cơ đùi và cơ tim hoạt động mạnh mẽ, thì chặng xuống là những phút giây của đầu óc, tay chân và cả…mông. Mình bắt đầu chặng này vào khoảng giữa trưa. Nhiệt độ chắc gần 39 – 40 độ C và độ ẩm rất cao mang đến một trải nghiệm vô cùng kinh khủng cho những người phải liên tục bám vào đá và dùng cơ đùi đẩy mình lên độ cao gần 500m. Cứ lên được một chút là phải dừng lại thở và uống nước để hạ nhiệt và cho nhịp tim giảm xuống trước khi chết vì ép tim. Vượt qua đỉnh núi, tưởng chừng mọi chuyện dễ dàng rồi thì mình mới nhận ra suy nghĩ đó thật là ngây thơ! Lúc lên núi dốc thế nào thì lúc xuống cũng y như vậy, và một số chỗ còn không có chỗ để đặt chân làm điểm tựa.

Sau một cú té đau điếng vì trượt và bỏ lại một ít da và máu tại Pù Luông, tinh thần cảnh giác của mình được nâng lên cấp độ cao nhất. Giờ đây, mỗi một bước chân xuống dốc thành công là một cơ hội tiến gần hơn với ba má ở nhà. Ở một số chỗ mình phải dẹp gậy, dùng mông và tay trượt xuống thật chậm rãi, ai muốn vượt mặt thì xin mời, chứ không thể vì bất cứ lý do hay sự bất cẩn nào làm mình ngã xuống vách đá được.

Sau khi xuống núi an toàn, người chạy còn phải vượt qua một cánh đồng lúa bạt ngàn dưới cái nắng chói chang. Đây là thời điểm mà mình đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc vì quá đuối, cả thể chất lẫn tinh thần đều kiệt quệ, giống như 3 bình nước mình mang theo. Lúc này sợ nhất là ngất xỉu giữa đường vì sốc nhiệt hay say nắng. Giữa cánh đồng có một cái chòi nhỏ, một số người đã vào đó nằm ngủ. Còn mình quyết định lê lết đến checkpoint 7 để tiếp nước càng nhanh càng tốt trước khi ngất đến nơi, vừa đi vừa nguyền rủa bản thân và ban tổ chức.

Vừa đến trạm là mình quăng hết đồ xuống và đứng ngay bàn trái cây ăn lấy ăn để dưa hấu (chắc cũng hơn nửa trái), sau đó xơi thêm một tô mì, một trái bắp và một chai nước điện giải trước khi cân nhắc chuyện đi tiếp hay không.

Ngồi lắng nghe các bạn khác bàn phương án (Một vài trong số đó là bàn ra) và nghĩ đến tình huống tệ nhất là ngọn núi cuối cùng, ở ngay cây số 35, cũng dựng đứng và có thể đầy đá như ngọn vừa rồi, mình quyết định đi tiếp vì cái giá phải trả đã quá cao, về rất nhiều mặt, để đầu hàng.

May là từ đó về sau tương đối ổn, nên mình mới về đích xinh tươi và ngồi trên máy bay viết note này.

Một số cảm nhận và kỷ niệm khác trên đường chạy:

Những quyết định trên đường đi

Bên cạnh những quyết định tương đối lớn như có nên rút lui hay không thì có hàng trăm quyết định nhỏ cần được xử lý, như chuyện chọn chỗ nào để đáp chân tiếp theo, có nên cắn gel bây giờ hay để dành chút nữa, hoặc đoạn này có nên dùng gậy hay bám bằng tay,… cái nào cũng quan trọng và cần được đưa ra rất nhanh. Những lúc đó, cách duy nhất là phải quan sát kỹ, tính toán một chút và tin vào trực giác của bản thân.

Chuyện chấn thương

Ngoài chuyện rách tay ra thì cả hai chân mình đều không đạt trạng thái tốt nhất do hôm trước đó đi vòng quanh Hà Nội bằng đôi dép lê, và bị phồng chân sau vài vòng dạo phố cổ và Hồ Gươm. Ban đầu chạy thì chỉ hơi đau một chút. Càng về sau càng đau hơn. Qua checkpoint 7 thì mỗi một bước là một cơn nhói. Còn khoảng 3km cuối thì phần vì cảnh ruộng lúa bậc thang quá đẹp để đi bộ (đâu phải lúc nào cũng có điều kiện tương tự) và phần vì sợ trời tối, mình nuốt một viên thuốc giảm đau rồi chạy chầm chậm về đích.

Còn lại thì may mắn là không sứt mẻ thêm miếng nào. Chắc cũng phải cảm ơn hai bàn chân đau và cú té thức tỉnh kia đã làm mình cẩn trọng và giữ sức tốt hơn.

Mất một miếng da và một ít máu tại The Spike.

Hành trang người chiến sĩ

Đợt trail này mình chuẩn bị đồ nghề vô cùng kỹ. Thậm chí mang dư cả cục sạc dự phòng và đèn pin trong trường hợp bị lạc hoặc về lúc trời tối. Ngoài những công cụ cần thiết như vest nước hay giày chạy trail thì có hai thứ mình cảm thấy vô cùng hữu ích.

Đầu tiên là cặp gậy trekking. Nhờ đôi bạn này mà mình có được sự trợ lực rất tốt từ hai tay, nhất là những lúc lên dốc, leo núi và cả khi xuống dốc. Và trên đường bằng thì việc sử dụng gậy cũng giúp chân mình không phải chịu tải của toàn cơ thể, làm cho hai bàn chân đỡ đau hẳn.

Tiếp theo là khăn quấn hay khẩu trang đa năng. Ngoài chuyện che nắng ra thì vật dụng này còn phát huy tối đa vai trò thấm nước giữ nhiệt cho cơ thể, nhất là những đoạn trời quá nóng hoặc thân nhiệt lên quá cao do vận động mạnh và liên tục.

Chỗ ngủ là một nhà sàn của người dân tộc

Chạy đua với thời gian

Mình thức dậy từ 3h sáng để đánh răng, ăn sáng, di chuyển đến điểm xuất phát. Bắt đầu race lúc 5h30, và đến đích lúc gần 6h tối. Nếu trừ đi hơn 1 tiếng dừng lại ở các checkpoint để tiếp nước, tiếp năng lượng và nghỉ mệt (nhất là ở checkpoint 7), thì mình mất gần 11 giờ vận động để về đích. Đem so ra với thời gian chạy Full Marathon trên đường nhựa thì hơn xa. So với các bạn về đích đầu bảng thì mình về trễ hơn đến 5 – 6 tiếng. Nhưng chuyện này thật sự không quan trọng bằng chuyện mình đã hoàn thành cuộc đua. Và quan trọng không kém là mình về đích trước khi trời tối, không phải để chụp hình tại Finish Line đẹp hơn, mà để tránh tình trạng một mình mò mẫm giữa rừng tối đen chỉ với một cây đèn trên đầu, dưới trời mưa rả rích, sấm chớp giật đùng đùng và những marker cách nhau khá xa.

Lò lửa Pù Luông

Bên cạnh The Spike thì “The heat” cũng là nguyên nhân làm cho giải đấu này khó khăn hơn hẳn. Mặc dù ban tổ chức cũng nhắc đi nhắc lại chuyện này, nhưng ai mà ngờ được là nó khắc nghiệt đến thế. Có những chỗ nắng bể đầu mà phải chạy trên đường nhựa một đoạn khá dài, không có một bóng cây; có những đoạn thân nhiệt lên cao đến nổi tưởng chừng như người bốc hỏa đến nơi (nhất là khi leo núi); và có những chặng đường mà chạy chỉ là một hành động theo bản năng, còn lại ý thức dường như đã bốc hơi theo những giọt nước cuối cùng.

Nên lời khuyên quan trọng nhất cho những ai sẽ tham gia VJM năm sau là hãy mang theo thật nhiều nước, nặng một chút cũng không sau, và liên tục uống để bù cho lượng mồ hôi đổ ra liên tục như tắm. Và nên mang theo khăn để che đầu và thấm nước làm mát cơ thể.

Cuộc chiến với bản thân

Đối với mình, ngoài chuyện phải có thể lực tốt để có thể chạy dài, chạy xa; đùi và tim khỏe để leo cao thì ý chí cũng là một nhân tố quyết định chuyện có hoàn thành race này. Cám dỗ dừng lại giữa đường ngủ một giấc dài hay nhảy lên xe của BTC để được chở về đích sau khi nói một câu đơn giản “Tôi bỏ cuộc” cũng thật lớn. Đây là dịp mà cái sự “lì” của bản thân được phát huy cao độ. Trừ đoạn “The Spike” là lúc mình tự đặt câu hỏi về chuyện bỏ một đống tiền ra để hành hạ bản thân và nguyền rủa BTC thiết kế đường đua quá nguy hiểm ra, còn lại thì mình chỉ tập trung vào chuyện về đích an toàn và lành lặn. Chắc nhờ vậy mà ít cảm thấy mệt óc hơn vì chỉ phải suy nghĩ làm sao để bước thêm được từng bước một về phía trước.

Còn một cuộc chiến khác là để vượt qua tính cạnh tranh của bản thân và mong muốn được về đích trong mục tiêu thời gian 10 tiếng ban đầu. Sau checkpoint 7, mình dường như chỉ còn đi bộ. Hai chân, 2 gậy, từng bước từng bước tiến về phía trước. Bạn nào chạy nhanh hơn thì vượt qua, mình nhường đường và chúc cho họ về đích an toàn. Có những “cuộc rượt đuổi” thật thú vị khi một số bạn chạy nhanh qua mặt mình, rồi dừng lại thở hoặc đi bộ thật chậm, nhìn mình lách cách bước qua, rồi 10 phút sau thì chu trình trên lặp lại.

Nhịp tim trên từng cây số. Chỗ nào leo núi là cao chót vót.

Đồng hồ đo được mình leo lên độ cao khoảng 400 tầng lầu.

Mình nhận ra cách tốt nhất để “sống sót” qua những thử thách về thể chất như thế này là đừng suy nghĩ tiêu cực. Cứ tập trung hết vào hơi thở, hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, và từng bước từng bước tiến tới. Đây là lần đầu tiên mình chạy dài mà không nghe nhạc, để thật tập trung kết nối với cơ thể và cảm nhận môi trường xung quanh trong bán kính chừng vài mét. Chỗ nào đẹp quá thì dừng lại ngắm chút rồi đi tiếp.

Nhìn tươi vậy thôi chứ tay chân đều băng bó cả

I survived Vietnam Jungle Marathon 42km in 10.5hours

Những người chạy khác

Sau khi hoàn thành VJM, mình cảm thấy tất cả những người tham gia đều thật đáng ngưỡng mộ! Cho dù đó là những bạn mới tham gia chạy trail lần đầu, bị “dụ” chạy 25km vì tưởng cũng không quá khó, hay những người chạy 42/70 vì một số lý do nào đó mà DNF. Mỗi người đều có một câu chuyện và lý do riêng để đến Pù Luông, nhưng nhìn chung đều sở hữu mong muốn thử thách và vượt qua những giới hạn của bản thân.

Có một số trường hợp thật kinh ngạc, như trong khi mình từng bước từng bước chậm rãi xuống dốc, thì một bạn nữ dáng nhỏ xíu chạy vù qua, thoăn thoắt đáp xuống chân dốc trong cái nhìn đầy ngưỡng mộ của những người xung quanh. Lúc sau mình mới biết bạn này giải nhất nữ 70Km.

Hay một anh người nước ngoài mà nhìn sơ chắc cân nặng gấp 2 lần mình, leo núi một cách đầy nghị lực. Mình đứng bên dưới nhìn anh ấy nhấc bổng cơ thể lên những tảng đá mà không khỏi thán phục. Những giải kết hợp chạy và trekking thế này thì những bạn nhẹ người có lợi thế lớn, nhưng những bạn nặng cân cũng không phải là không có cơ hội, miễn là họ dám tham gia và có đủ quyết tâm là được.

Lời khuyên cho người sẽ chạy

Đúc kết nhanh kinh nghiệm cá nhân của một người lần đầu chạy 42Km là để về đích thành công, xinh tươi và lành lặn, có một số chuyện cần làm như sau:

  • Nghiên cứu thật kỹ địa hình đường chạy, nhất là Elevation gain. Thấy chỗ nào dựng đứng thì nên hỏi thật kỹ xem chỗ đó như thế nào.
  • Chuẩn bị tốt về mặt thể lực, nhất là tập luyện cho tim khỏe, đùi khỏe và cả hai tay cũng thật khỏe.
  • Luyện chạy dưới điều kiện nắng nóng (Heat Training).
  • Chuẩn bị tốt đồ nghề, nhất là gậy trekking cho những bạn không quá giỏi leo trèo. Và nếu xác định là về trễ thì nên mang theo đèn đội đầu.
  • Cần liên tục tiếp nước, cả uống nước và dùng nước để làm mát.
  • Uống nước điện giải hoặc viên muối để tránh bị chuột rút.
  • Chuẩn bị sẵn tâm lý là sẽ bị hành xác, và có một động cơ để kéo mình về đích lớn hơn là chỉ để đăng hình khoe thành tích trên FB/Instagram.

Danh sách đồ nghề. Gần như vác theo cả đống này trên người khi chạy

Kết

Mình đã đạt được mục tiêu ban đầu đặt ra khi tham gia, và cảm thấy rất tự hào về bản thân khi về đích. Nhưng nếu hỏi là năm sau còn có tham gia VJM nữa không thì câu trả lời là không, trừ khi BTC bỏ cái chặng The Spike quá nguy hiểm kia đi. Lúc đó mà trời mưa thì chắc mình cũng bỏ cuộc.

Nhưng tin vui là dò hỏi một hồi thì đa số các giải khác, ngay cả VMM, cũng không khó như giải này. Nên trừ khi bận việc, còn lại thì mình cũng ham hố tham gia 42km hay 70km các giải trail khác.

Khoe medal sau ngày race

Cảm ơn BTC đã tổ chức giải này. Cho dù còn vài điểm chưa hài lòng, nhưng nhìn chung làm được những đường đua thế này thì cũng công phu lắm.

Q