Tấm hình bên trên được chụp cách đây 2 năm, ở giai đoạn phát triển nhanh nhất từ trước đến giờ của công ty mình. Khi đó IMP thắng cùng lúc vài dự án của một số thương hiệu lớn ở VN, và cty có đến gần 40 nhân sự full time và part time để triển khai các chiến dịch đó. Sau đó chừng 2 – 3 tháng, cty gặp khủng hoảng.
Do mở rộng quá nhanh nên quy trình, hệ thống, và văn hoá công ty không theo kịp, dẫn đến việc chồng chéo công việc và xung đột xảy ra khá thường xuyên. Một số bạn có kỹ năng tốt thì phải gánh thêm việc hoặc giải quyết sự cố của các thành viên mới. Các campaign này diễn ra trong ngắn hạn, cùng lúc, và với yêu cầu cao từ phía các nhãn hàng, nên toàn team bị quá tải, không hề có “work-life balance”. Tất cả các điều trên dẫn đến việc cùng lúc nhiều bạn xin nghỉ việc, trong đó có một số thành viên đã đi theo công ty được vài năm. Và sau khi hoàn tất các dự án đó thì lại phát sinh áp lực phải tìm dự án mới để kiếm vài trăm triệu một tháng trả lương cho nhân viên. Có job mới thì lại lo không biết team có làm tốt được không, có cần tuyển thêm thành viên mới không.
Cái vòng luẩn quẩn trên làm Q nghi ngờ chính khả năng của mình, và nhận thấy mình đã đụng trần về năng lực điều hành công ty. Cũng nhờ đó mà Q quyết định dành luôn 1 năm đi du học thạc sĩ về quản trị.
Ba tháng đầu, Q cũng cố gắng vừa học vừa làm từ xa. Nhưng thực tế là không làm được gì nhiều vì không nằm trong guồng máy đang chạy nên không nắm được tình hình thực tế. Mà nếu cứ nắm được vài tin tức trên bề mặt rồi nhảy chồm lên đòi báo cáo hay tìm cách can thiệp thì lại là phá hoại nhiều hơn xây dựng. Do đó, Q quyết định không làm nữa, để mọi người ở nhà tự xoay sở, với mong muốn duy nhất là “Đừng bể kèo!”. Nhờ đó mà 9 tháng tiếp theo, Q hoàn toàn thoải mái về tâm trí để học hành, du lịch, và suy nghĩ về mục tiêu và cách sống cho chặng đường tiếp theo. Một số bài học quý giá Q rút ra được từ quá trình self-reflect là:
- Mình không quan trọng như mình nghĩ. Không có mình thì công ty, khách hàng, nhân sự, … cũng vẫn ổn. Riêng công ty nếu vì không có một nhân sự nào đó mà sụp thì cũng đáng bị như vậy.
- Công việc chỉ là một trong số những thành phần của cuộc sống. Nó quan trọng nhưng không phải là tất cả. Mình còn có gia đình, bạn bè, sở thích, xã hội, …
- Công việc nên phục vụ cho mục tiêu sống thay vì ngược lại. Mình nên thiết kế công việc (hoặc công ty) để đạt được những giá trị như tiền bạc, học hỏi, sự thỏa mãn, tự do, đóng góp … chứ không sống chỉ để làm việc.
- Không gì quan trọng bằng sức khoẻ, nhất là sức khỏe tinh thần. Mình phải tự bảo vệ sự bình yên về tinh thần của bản thân.
- Có rất nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Nên chỉ cần nỗ lực làm tốt nhất có thể rồi không nên lo nghĩ nhiều. Nếu xui thì chịu, chỉ cần không hối hận vì đã không làm hết sức là được.
- Mình có năng lực và quan hệ, nên chỉ cần có thêm sức khỏe tốt thì sẽ sống tốt. Không đói được.
Nhờ những bài học trên mà khi về VN, Q có thể cùng đồng đội vượt qua nhiều khó khăn và làm được nhiều việc có ý nghĩa. Chẳng hạn như hai vấn đề lớn nhất Q phải đối mặt khi vừa quay lại công ty là dòng tiền sẽ bị âm sau thêm 3 tháng hoạt động, và mô hình kinh doanh của IMP cũng không hiệu quả. Xoay sở vài tháng thì cũng xong. Cũng may mà không phải mượn tiền ai để trả lương + thưởng Tết. Ban giám đốc cũng thống nhất được tầm nhìn và đường hướng phát triển mới, và ký được vài cái hợp đồng lớn cho năm 2020. Q dự định qua Tết là chỉ đóng cửa ở cty tập trung xây dựng nền tảng để nhân rộng. Vậy mà đùng một cái dịch nổ ra, nhóm khách hàng mục tiêu chính của công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Thế là vừa phải dành thời gian cùng khách hàng tính chuyện tồn tại, vừa phải “đi khách” để kiếm thêm hợp đồng mới về. Tính ra thì hai giai đoạn trên cũng vất vả, nhưng Q tự thấy mình và đồng đội xử lý ổn hơn những đợt trước nhiều, chủ yếu do cách suy nghĩ đã trưởng thành hơn trước.
Suy cho cùng thì đã đi làm và mở công ty thì chuyện “ăn hành” và gặp trở ngại là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa. Chứ còn thấy công ty ổn quá thì chắc là có cái gì đó đang rất không ổn diễn ra mà mình không biết. Anh chị em nào đã mang mác “doanh nhân” rồi thì chắc người cũng đầy sẹo, và phải liên tục xoay sở, học hỏi, và thích nghi để tồn tại. Những trải nghiệm và kỹ năng đó rất đáng quý và tổ chức nào cũng cần. Nên chắc chắn là anh chị sẽ có cách để chăm lo tốt cho bản thân và gia đình. Còn với tổ chức, nhân viên, và khách hàng thì miễn là mình sống tốt và nỗ lực hết sức là được. Chỉ cần giao tiếp rõ ràng và cởi mở, đến lúc không cầm cự được thì ai cũng sẽ thông cảm thôi.
Bài viết này thay lời tâm sự. Chúc cho các anh chị doanh nhân “chân cứng đá mềm”, vững ý chí và cả “tay chèo” để vượt qua cơn bão Covid cùng những hệ luỵ kéo dài của nó.