Khi đã trải qua cả thất bại lẫn thành công, chúng ta dần sẽ tìm ra cách khắc phục những sai lầm về tài chính từng mắc phải khi bước sang 30 tuổi. 

Nhưng khi đó bạn lại tiếp tục đối mặt với một loạt các thử thách mới của cuộc đời, vậy làm thế nào bạn có thể vừa sửa chữa những lỗi sai cũ vừa tiếp tục đương đầu với thử thách mới? Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn tham khảo để tránh phạm phải những sai lầm về tài chính trước khi qua tuổi 30.

1. Tiết kiệm không đúng chỗ

Đầu tư cho tương lai là quan trọng, nhưng ở độ tuổi 30, nhiều người quá chú trọng vào những kế hoạch nghỉ hưu và bỏ qua chi tiêu cho các khoản quan trọng ở hiện tại. 

Bạn đang muốn lập một kế hoạch nghỉ hưu phù hợp nhất, nhưng bạn có tính đến những khoản chi tiêu lớn sắp tới như việc nuôi dạy con hay mua nhà?

Dù bạn có đang nỗ lực góp tiền vào quỹ hưu trí, cũng đừng quên dành tiền cho những khoản chi khác. Lập nhiều tài khoản tiết kiệm là một cách hay để bắt đầu dành tiền cho từng mục đích cụ thể. 

2. Chú trọng việc học của con cái hơn là việc nghỉ hưu

Tuy nhiên, khi không dành đủ tiền để nghỉ hưu, một vấn đề lớn sẽ đến với bạn và con bạn.

Việc học hành của con cái rất quan trọng, nhưng ở tuổi 30 ưu tiên số một của bạn nên là tiết kiệm cho việc nghỉ hưu. Bởi vì, về lâu dài nếu bạn không dành đủ tiền để nghỉ hưu, thì gánh nặng đó sẽ thuộc về con cái của bạn. Khi đặt lên bàn cân, khoản tiền này có thể còn đắt hơn so với các khoản vay cho con bạn đi học.

Vì vậy, kế hoạch tiết kiệm của bạn nên bắt đầu từ việc chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ hưu của bản thân vừa đủ, sau đó là dành tiền cho việc học của con.  

3. Chưa chuẩn bị kế hoạch bảo hiểm

Những loại bảo hiểm chung (như sức khỏe, nhà cửa và bệnh tật) thường bị đặt sau nhiều thứ khác, chung quy là bởi hai lý do: Một là bảo hiểm không phải là chủ đề thu hút nên thường ít được mọi người tìm hiểu; Hai là có nhiều người hay đưa lời khuyên hời hợt về việc chỉ cần có bảo hiểm là được, không quan trọng bạn mua loại nào, chỉ cần bạn có một khoản tiền sẽ được nhận lại sau này. 

Hậu quả sẽ đến khi bạn ở độ tuổi 40 hay 50, sẽ như thế nào khi loại bảo hiểm hiện có không phù hợp với những vấn đề của bạn? Để tránh điều đó, khi vừa sang tuổi 30, bạn nên dành thời gian để nghiên cứu và lập ra cho mình một kế hoạch đầu tư bảo hiểm phù hợp.

4. Bỏ qua bảo hiểm thương tật

Một loại bảo hiểm thường bị bỏ quên là bảo hiểm thương tật, nhưng nó lại rất quan trọng để có thể bảo vệ bạn và người thân khỏi những rủi ro. Loại bảo hiểm này sẽ mang lại thu nhập khi bạn bị thương và không còn khả năng lao động nữa.

Nhiều người thường chọn bảo hiểm nhân thọ để nhận được đền bù cho người thân khi họ qua đời, nhưng rủi ro khi chúng ta gặp tai nạn và mất thu nhập lại lớn rất hơn nhiều.

5. Không bàn về tài chính trước khi kết hôn

Dù chủ đề này có phần tế nhị, nhưng bạn và đối phương nên có một cuộc trò chuyện thẳng thắn trước khi về chung một nhà. Các cặp đôi thường ít khi hoặc thậm chí là hoàn toàn không bàn về những chủ đề như tài chính cá nhân, cách chi tiêu hay kế hoạch tài chính.

Vấn đề này nên được bàn với nhau càng sớm càng tốt, vì khi cả hai bạn đã hiểu nền tảng tài chính của nhau, bạn sẽ hiểu cách đối phương đưa ra các quyết định tài chính và lựa chọn nên tách biệt hay kết hợp nguồn tài chính của cả hai. 

6. Chi tiền cho một đám cưới xa hoa

Ngày nay có nhiều cặp đôi chi số tiền khá lớn để tổ chức một đám cưới hoành tráng. Nếu tiết kiệm hơn, bạn có thể dùng số tiền đó để chi trả cho việc trả góp mua nhà hay các vật dụng chung sau này. Tuy nhiên đây cũng là một sự kiện quan trọng trong đời, nếu muốn có một lễ cưới thật lớn, bạn có thể bắt đầu tiết kiệm cho việc đó từ sớm.

7. Tốn nhiều chi phí cho đứa con đầu lòng

Khi có đứa con đầu lòng, các bậc phụ huynh sẽ thích sắm những vật dụng tốt nhất cho con. Nhưng các vấn đề tài chính lúc này không nằm trong tầm kiểm soát của bạn, bởi có rất nhiều khoản chi dù đã tính trước nhưng cũng bất ngờ phát sinh những chi phí khác. Vì vậy, nếu bạn muốn nuôi dạy con cái trong môi trường thoải mái, thì hãy kiểm tra lại tài chính bản thân trước khi chi tiền vào những đồ vật đắt đỏ và tiêu hết cả khoản tiết kiệm của mình. 

8. Chi tiền cho đồ vật dễ mất giá

Một thứ gây tốn nhiều chi phí không kém là những tài sản mau mất giá (như xe, ô tô hay các thiết bị điện tử). Nếu tuổi thọ của nó là 10 năm, thì bạn nên trả góp trong 5 năm và dành thời gian còn lại để tiết kiệm một khoản tiền khác. Khi sản phẩm hết tuổi thọ, bạn có thể bán lại hoặc đổi lấy cái mới nếu bạn giữ gìn cẩn thận. Ngoài ra, thay vì mua đồ mới bạn có thể cân nhắc mua đồ đã qua sử dụng, điều này có thể giúp tiết kiệm một khoản chi tiêu đáng kể.

9. Lựa chọn học cao học

Lý do tại sao nhiều người quyết định học lên cao là bởi vì nó mang lại nhiều giá trị và hỗ trợ cho con đường sự nghiệp của họ. Chẳng hạn như bạn có ý định lấy bằng MBA với chi phí tự túc. Vậy mục tiêu ban đầu của bạn là gì? Nếu là để đảm bảo vị trí công việc hiện tại hay kéo dài sự nghiệp, thì đây là hướng đi đúng đắn. Hơn nữa, bạn nên xem việc học sau đại học như một công việc thứ hai, chứ không nên lựa chọn giữa việc làm hay đi học.

10. Làm công việc kiếm tiền ngắn hạn

Giai đoạn giữa những năm 30 tuổi là thời kỳ đỉnh cao để kiếm tiền và bạn cũng cần lựa chọn những công việc kéo dài lợi nhuận trong thời gian kế tiếp. Có công việc chỉ để kiếm tiền trong ngắn hạn nhưng cũng có công việc giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn khi bước sang tuổi 40. 

11. Chi tiêu trước khi tiết kiệm

Lạc quan là tốt, nhưng quá giới hạn sẽ gây ra nhiều vấn đề. Chẳng hạn như về tiền bạc, có nhiều nguyên nhân bội chi lại được bạn biện minh bằng việc bản thân đã kiếm được nhiều tiền hơn nên phải chi tiêu nhiều hơn. Tiết kiệm trước tiên phải xuất phát từ tâm lý của bạn: Tiết kiệm cho hưu trí trước và phần còn lại mới dành cho các khoản chi khác. Bạn hãy bỏ suy nghĩ “Tôi phải mua cái này, cái kia và tiền còn lại tôi sẽ tiết kiệm.”

Hãy để dành cho tương lai của bạn, sau đó đảm bảo cho cuộc sống hiện tại.

Nguồn: Business Insider