Những bài học quý báu mà Q rút ra được từ chuyến tham gia dự án “Chuyển đổi số trong các ngành truyền thống” của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ đã được anh Bung Trần và tạp chí Khoa Học và Phát Triển đăng lại. Mời bạn đọc toàn bộ bài viết dưới đây: 

TS. Nguyễn Thanh Mỹ: Những bài học xương máu về khởi nghiệp

Là tác giả của “Silicon Valley ở Trà Vinh”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, doanh nhân kiêm nhà khoa học đang nắm giữ (và thu tiền phí sử dụng) của hàng trăm bằng sáng chế quốc tế, luôn nặng lòng và sẵn sàng dốc hết vốn kinh nghiệm để chia sẻ cho thế hệ trẻ.

Anh Quân Võ, Tổng giám đốc Công ty IMP ghi lại những “điều kỳ diệu” mà anh cùng các doanh nhân tham gia dự án “Chuyển đổi số trong các ngành truyền thống” học được từ “chú Mỹ”.

Từ “vốn khởi nghiệp”

Nhóm các doanh nghiệp trẻ của chúng tôi vừa có chuyến đi miền Tây để “học một sàng khôn”. Điểm nổi bật nhất của chuyến đi là được chú Mỹ dành hẳn 4 tiếng, từ 12h trưa đến hơn 4h chiều, để chia sẻ mô hình Tôm đạo đức chú vừa triển khai được gần một năm, và các bài học quý giá về khởi nghiệp mà chú đúc kết được từ những kinh nghiệm xương máu của mình.

Mộc mạc, chân tình nhưng rất quyết liệt, chú Mỹ hỏi thăm và chia sẻ rằng người muốn khởi nghiệp cần có bốn thứ hội tụ thì mới nên tham gia con đường khó nhọc này: Có sức khỏe và sự hấp dẫn (để thu hút và thuyết phục người khác); Có thói quen tốt: kỷ luật trong công việc; Có tâm: làm việc không chỉ nghĩ về tiền, mà quan tâm đến những giá trị tạo ra cho xã hội, cộng đồng, đất nước và có sự đa năng, cái gì cũng làm được, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng không ngần ngại.

Việc chọn ý tưởng khởi nghiệp, chỉ nên đến từ bốn nguồn: Làm đúng cái đang sai; Làm tốt hơn cái hiện tại; Làm có cái chưa có và Làm gì để để lại dấu ấn tốt trong xã hội.

Có bốn yếu tố này, thì bắt đầu phải cân nhắc đến vốn khởi nghiệp. Đó là bốn thứ vốn khác nhau, trong đó tiền lại là thứ được đặt sau cùng. Đầu tiên, cần có vốn thời gian, nghĩa là biết đặt thứ tự ưu tiên, vì ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày, xài hoang phí thì mất vốn. Thứ hai, là kinh nghiệm. Kinh nghiệm là thứ khó vì cần tích luỹ. Nó liên quan đến một quan điểm làm việc khác của chú Mỹ: Cái gì quan trọng thì nhờ người giỏi nhất làm. Có thể thương lượng để chia %. Đừng lấn sân! Tiếp đến, là cần kiến thức. Kiến thức mình chưa đủ, thì có thể đi thuê hoặc dùng sức hấp dẫn của bản thân để mượn của người khác chứ biển học mênh mông, không ai giỏi hết mọi thứ. Cuối cùng là tiền. Ai cũng không có đủ tiền để khởi nghiệp, nhưng trong xã hội thì không thiếu, quan trọng là nghĩ ra cách để có tiền mà xài, thuyết phục nhà đầu tư hoặc tận dụng những mô hình khác nhau về tài chính.

Chú lại đưa ra một trải nghiệm của mình và việc chọn ý tưởng khởi nghiệp, chỉ nên đến từ bốn nguồn: Làm đúng cái đang sai; Làm tốt hơn cái hiện tại; Làm có cái chưa có và Làm gì để để lại dấu ấn tốt trong xã hội.

Tới chuyện “con tôm đạo đức”

Con tôm đạo đức chính là điển cứu người thực việc thực mà chú Mỹ đang dùng cuộc sống và công việc mỗi ngày của mình đưa ra để minh hoạ cho việc “thời điểm khởi nghiệp”. Đúng thời điểm là quan trọng nhất. Chúng ta có thể đừng nghĩ đến việc giáo dục ai cả, làm cái gì mà dành nhiều năm để “giáo dục người tiêu dùng” thì khó rồi. Tiếp đến là phải đúng đội ngũ, còn lại là đúng nơi, và đúng tiến độ.

Một nhà khởi nghiệp phải luôn nhìn thấy, hoặc tìm cho ra những cơ hội trong mọi tình huống. Chẳng hạn, khi mà miền Tây bị ngập mặn, lúa, cây ăn trái, hoa kiểng đều gặp khó, thì đây là cơ hội để nuôi tôm vì giá tôm mắc gấp vài chục lần giá lúa. Nhưng có ý tưởng rồi thì phải xem độ lớn của vấn đề: thị trường có đủ lớn không?

Nuôi tôm mà bán tôm là bình thường. Ở dưới bán tôm, ở trên bán điện, ở giữa bán thực phẩm chế biến từ tôm. Trước đó bán cổ phiếu. Làm gì cũng phải nghĩ rộng và xa hơn. Mô hình kinh doanh thì thay đổi theo thời gian. Phải biết thích nghi nhưng cũng hết sức cẩn trọng: khi khởi nghiệp nên có nhiều sản phẩm, nhưng phải xác định rõ cái nào là để nuôi công ty, cái nào là sản phẩm chiến lược…

Quay lại chuyện con tôm đạo đức. Việc này xuất phát từ một thực tế rất đáng buồn: tôm Việt Nam nuôi chủ yếu để xuất khẩu. Nhưng không phải lúc nào hàng cũng đạt đúng chuẩn, vì tùm lum lý do: dư lượng thuốc kháng sinh, không đúng kích thước, thậm chí còn có vài việc… phi đạo đức như bơm thêm rau câu vào tôm để tăng trọng lượng. “Ghê” hơn, là hàng hóa bị dội ngược trở về này tiêu thụ ở đâu? Ở thị trường trong nước chứ ở đâu bây giờ. Có ai biết con tôm nhìn đẹp đẹp mà mình đang ăn trong những buổi đoàn tụ gia đình cuối tuần đã đi qua những khâu nào, bị đánh giá ra sao và xuất hồ đã bao lâu…

Vậy là công ty Salicornia về tôm đạo đức chú thành lập vào tháng 11 năm 2020, động thổ xây dựng ngày 11/11/2020 để theo đuổi câu chuyện này.

Chú Mỹ lại đau đáu một vấn đề khác: ai cũng nói người Việt Nam giỏi công nghệ. Bằng chứng là giám đốc công nghệ của nhiều tập đoàn lớn tại Mỹ, Canada hay châu Âu đều có đại diện là người Việt, nhưng sao những điều không quá phức tạp như công nghệ trong nông nghiệp, trong nuôi tôm lại cứ phải nhập khẩu từ Israel, từ Mỹ thì mới… oai. Nó nhiều hơn là câu chuyện về đạo đức, mà là chuyện chủ quyền số và làm chủ công nghệ của xứ mình. Vậy nên, chú Mỹ và đội ngũ cứ… làm tới thôi. Làm sao chỉ cần một cái điện thoại có máy chụp hình, đưa lên apps là có thể phân tích được hết các loại vi khuẩn, chất lượng nước này nọ và đề ra phương án xử lý bằng trí tuệ nhân tạo. Ủa người Việt làm ngon lành mà.

Cuối cùng, là con tôm hay hạt gạo, hay món gì đi nữa, khi nào làm sản phẩm thì nên đăng ký bản quyền để chứng minh mình có sở hữu công nghệ. Bản quyền là tài sản, đừng sợ đầu tư. Chọn người giỏi nhất để giúp mình làm việc này.

Vậy mới làm cho khởi nghiệp lớn lên, cho bản đồ công nghệ thế giới ghi rõ tên của Việt Nam mình!

Tâm thế khởi nghiệp:

– Không ai biết chuyện của công ty mình bằng mình cả.

– Nếu làm vì quê hương đất nước thì ko bao giờ là thất bại.

– Không có gì hạnh phúc bằng thức dậy mà được làm điều mình thích.

– Quyết định bằng trái tim, sau khi phán xét bằng bộ óc.

– Cái gì cũng thương lượng được.

– Làm gì thì cũng đặt tiêu chuẩn cao nhất.

– Những suy nghĩ đơn giản sẽ giúp mình đi rất xa.

– Khi nhìn vấn đề ở góc nhìn tích cực thì sẽ ko có chữ thất bại trong từ điển.

– “Khách hàng là cha, cổ đông là mẹ, ngân hàng là tình nhân, nhân viên là bầy con mọn, quan chức chính phủ là chú bác, nhà cung cấp là anh chị em, các đối thủ cạnh tranh là hàng xóm láng giềng”.

– Muốn chuyển đổi số được thì phải tự động hóa được việc thu thập dữ liệu

Quân Võ – Bung Trần

Nguồn: Khoa học và phát triển