Nếu chúng ta muốn phản bác ý kiến của người khác nhiều hơn, ta nên chú ý để làm điều đó trở tốt và hiệu quả hơn. Như thế nào gọi là biết cách bất đồng? Đa số có thể dễ dàng chỉ ra sự khác nhau giữa việc gọi đối phương là đồ nọ đồ kia và một lời phản bác đầy đủ lý lẽ, nhưng sẽ tốt hơn nên chia nhỏ hơn nữa các cấp độ bất đồng. Và đây là thang cấp độ bất đồng mà Paul Graham đã đề xuất (DH – disagreement hierarchy):
DH0. Name-calling. (Chửi thề định danh)
Đây là cấp độ thấp nhất của bất đồng, và có lẽ là phổ biến nhất. Ta đều từng thấy các comment kiểu “mày là đồ ngu!”. Điều đáng chú ý là các câu réo tên hoa mỹ hơn cũng chẳng làm tăng trọng lượng, ví dụ như câu “tác giả là một tay gà mờ cố tỏ ra nguy hiểm” thực sự chẳng qua là một phiên bản giả tạo của “mày là đồ ngu”.
DH1. Ad Hominem. (Ngụy biện công kích đối phương)
Một cuộc công kích bằng ngôn từ không hoàn toàn yếu như việc réo tên đối phương ra chửi. Nó có thể có trọng lượng hơn. Ví dụ, nếu một thượng nghị sĩ viết một bài báo nêu quan điểm rằng lương của các thượng nghị sĩ nên được tăng lên, ai đó có thể trả lời:
“Tất nhiên anh ta sẽ nói vậy bởi anh ta là một thượng nghị sĩ mà.”
Câu này sẽ không bác bỏ được luận điểm của tác giả, nhưng ít nhất nó có thể liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, nó vẫn là một dạng bất đồng rất yếu. Nếu quan điểm của người thượng sĩ đó không ổn, bạn nên chỉ rõ ra không ổn chỗ nào, còn nếu quan điểm đó đúng, thì khác biệt gì khi anh ấy là thượng nghị sĩ?
Nói rằng một ai đó thiếu thẩm quyền để viết về một chủ đề là một hình thái của ad hominem — và một kiểu vô nghĩa, bởi vì những ý tưởng hay ho thường đến từ những người ngoài cuộc. Câu hỏi đặt ra là tác giả nói đúng hay sai. Nếu sự thiếu thẩm quyền khiến anh ta mắc sai lầm, thì hãy chỉ ra sai lầm đó. Và nếu nó không, nó chẳng có vấn đề gì.
DH2. Responding to Tone. (Đáp lại giọng điệu)
Từ cấp độ này trở lên, chúng ta bắt đầu thấy các phản ứng đối với nội dung chứ không phải với tác giả. Hình thức thấp nhất trong số này là đáp lại với giọng điệu của tác giả. Ví dụ như
“Tôi không thể tin được là tác giả lại bỏ qua thiết kế thông minh với thái độ kiêu ngạo như vậy.”
Tuy rằng nó tốt hơn so với ngụy biện công kích đối phương, nhưng đây vẫn là một dạng bất đồng yếu. Vấn đề để tâm hơn là tác giả sai hay đúng chứ không phải giọng điệu của họ. Hơn nữa là giọng điệu lời nói rất khó để đánh giá. Một người nào đó nhạy cảm với một chủ đề nào đó thì dễ cảm thấy bị xúc phạm bởi giọng điệu, trong khi đó những độc giả khác thấy bình thường.
Vì vậy, nếu điều ghê gớm nhất bạn có thể nói về điều gì đó là chỉ trích giọng điệu, thì bạn sẽ không có gì nhiều để nói tiếp. Có thể tác giả xấc xược, nhưng đúng? Còn hơn là từ tốn và sai. Còn nếu tác giả sai ở đâu đó, thì hãy chỉ ra.
DH3. Contradiction. (Cãi lại)
Ở cấp độ này, cuối cùng ta có phản ứng về những gì đã được nói chứ không phải nó tạo ra bằng cách nào hay bởi ai. Hình thái thấp nhất của việc phản ứng một luận điểm chỉ đơn giản là phát biểu điều ngược lại, khi có ít hoặc không có bằng chứng hỗ trợ.
Điều này thường được kết hợp với cách ở cấp độ DH2, như trong câu:
“Tôi không thể tin được là tác giả lại bỏ qua thiết kế thông minh với thái độ kiêu ngạo như vậy. Thiết kế thông minh là lý thuyết khoa học chính thống”.
Sự cãi lại đôi khi có thể có sức nặng. Đôi khi chỉ cần nhìn thấy điều ngược lại được phát biểu ra rõ ràng là đủ thấy nó đúng. Nhưng thông thường sẽ cần có bằng chứng.
DH4. Counterargument. (Phản biện)
Ở cấp độ 4, ta đạt đến hình thức đầu tiên của sự bất đồng một cách thuyết phục: phản biện. Các hình thái trước đó thường bị bỏ qua vì chẳng chứng minh được gì. Phản biện có thể chứng minh gì đó, tuy nhiên vấn đề là rất khó nói chính xác là gì.
Phản biện là cãi lại cộng với lý lẽ và/ hoặc chứng cớ. Khi nhắm thẳng vào lập luận ban đầu, nó có thể thuyết phục. Nhưng đáng tiếc là thực tế các lập luận phản biện thường hướng đến thứ gì đó hơi khác một chút. Nhiều khi hai người tranh cãi say sưa về điều gì đó lại đang nói về hai thứ khác nhau. Đôi khi thực tế là họ đồng ý với nhau, nhưng vì quá bị lôi cuốn vào tranh cãi nên không nhận ra.
Có thể có một lý do chính đáng để tranh luận về điều gì đó hơi khác so với những gì tác giả đã nói: đó là khi bạn thấy họ bị nhầm lẫn về thứ trọng yếu nhất. Nhưng khi làm vậy, bạn cần nói rõ là bạn đang làm.
DH5. Refutation. (Bác bỏ)
Hình thức bất đồng thuyết phục nhất là bác bỏ. Và cũng hiếm nhất, bởi vì nó tốn công. Thực tế là các cấp độ của bất đồng tạo nên một cái tháp, mà càng lên cao thì bạn càng tìm thấy ít trường hợp hơn.
Để bác bỏ ai đó, bạn có thể phải trích dẫn họ. Bạn phải tìm được “khẩu súng còn bốc khói”, một đoạn văn mà bạn không đồng ý và thấy sai lầm, rồi giải thích tại sao nó sai. Nếu bạn không thể tìm thấy trích dẫn cụ thể để bạn bác bỏ, bạn có thể đang tranh cãi với hình nộm.
Mặc dù bác bỏ thường cần trích dẫn, thì ngược lại trích dẫn chưa chắc đã đi cùng bác bỏ. Một số người cũng trích dẫn để trông có vẻ giống bác bỏ chính đáng, sau đó thì thốt ra những lời thấp kém kiểu DH3 hay thậm chí DH0.
DH6. Refuting the Central Point. (Bác bỏ luận điểm chính)
Sức nặng của bác bỏ phụ thuộc vào những gì mà bạn bác bỏ. Hình thái bất đồng mạnh mẽ nhất là bác bỏ luận điểm chính của tác giả.
Thậm chí cao như DH5, đôi khi chúng ta vẫn thấy sự lươn lẹo có chủ ý, như khi ai đó chọn ra những điểm nhỏ của một luận điểm và bác bỏ. Đôi khi cái cách mà việc bác bỏ được thực hiện khiến nó trở thành một hình thức công kích cá nhân tinh vi hơn là bác bỏ thực tế. Ví dụ: sửa lỗi chính tả của ai đó hoặc nhay đi nhay lại lỗi nhỏ kiểu nhầm tên hay con số. Trừ phi những cái đó là phần quan trọng của phản luận điểm, không thì mục tiêu của chúng chỉ là nhằm hạ thấp đối thủ.
Để thực sự bác bỏ điều gì đó đòi hỏi bạn phải bác bỏ luận điểm chính của đối phương, hoặc ít nhất là một trong số chúng. Và điều đó có nghĩa là người ta phải nêu rõ điểm chính đó là gì. Vì vậy, một lời bác bỏ hiệu quả sẽ giống như sau:
“Ý chính của tác giả có vẻ là x, vì anh ta nói: <trích dẫn>
Nhưng điều này là sai vì những lý do sau đây …”
Đoạn trích dẫn mà bạn chỉ ra là sai lầm không nhất thiết phải chính là đoạn nói về điểm chính của tác giả. Chỉ cần bác bỏ điều mà điểm chính kia phụ thuộc vào.
Các điều nêu trên ích lợi gì?
Lợi ích lớn nhất của việc xếp loại các hình thái của bất đồng là nó sẽ giúp người ta đánh giá những gì họ đọc. Đặc biệt, nó sẽ giúp họ nhìn thấy những luận điểm không chính xác. Một diễn giả hùng hồn có thể tạo ấn tượng đả bại đối thủ chỉ vì sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ. Thực tế, đấy là tính chất cơ bản của mị dân. Bằng cách đặt tên cho các hình thái bất đồng khác nhau, ta đã trang bị cho người đọc có tư duy độc lập một cái kim để chọc thủng mớ bóng bay kia.
Nhưng lợi ích lớn nhất của việc biết cách bày tỏ bất đồng không phải là làm cho cuộc đàm thoại tốt hơn, mà là làm cho những người tham gia vui vẻ hơn. Nếu bạn xem các đoạn đàm thoại, bạn sẽ thấy nhiều sự thô lỗ ở DH1 hơn là DH6. Bạn không cần phải thô lỗ khi bạn có ý gì đó để nói. Thật ra, bạn cũng không muốn vậy. Nếu bạn thực sự có gì đó để nói, thì sự thô lỗ chỉ cản trở bạn.
Nếu việc leo lên các cấp độ bất đồng khiến mọi người bớt thô lỗ, nó sẽ giúp đa số họ vui vẻ hơn. Đa số mọi người không thích thú gì khi thô lỗ, họ tỏ ra thô lỗ chỉ vì không có cách nào khác.
Nguồn: Paul Graham