Sáng nay ngồi tổng kết quý 1, Q tự cảm thấy mình quá may mắn vì chỉ trong vòng 3 tháng mà có thêm tận 2 quyển sách để đưa vào danh sách những cuốn làm thay đổi bản thân.
Cuốn đầu tiên là Siddhartha, nói về hành trình tự giác ngộ của một người bình thường. Q thích quyển này hơn cả Đường Xưa Mây Trắng, vì nhìn thấy mình trong chính câu chuyện được kể. Siddhartha đã trưởng thành và nhận ra con đường để tự giải thoát thông qua những lỗi lầm rất con người như bài bạc, trai gái, hưởng thụ,…; và cả qua những mất mát mà ai cũng có thể gặp phải trong cuộc sống. Cách tiếp cận này gần gũi và bản lĩnh hơn nhiều so với việc lánh xa cuộc đời “phàm tục”.
Đọc xong thì Q mới biết là quyển này đã từng được xuất bản ở Việt Nam từ rất lâu với tên gọi “Câu Chuyện Dòng Sông”, và được một trong những người thầy Q rất tôn trọng giới thiệu nhiều năm trước.
Cuốn thứ hai là Tuesday with Morrie. Đây là câu chuyện về những ngày cuối đời của một giáo sư bị mắc bệnh ALS (giống Stephen Hawking). Và ở chặng cuối cuộc đời, ông đã có cơ hội chia sẻ lại những bài học quý giá với một người học trò cũ. Mỗi thứ ba hàng tuần, hai thầy trò lại có những cuộc trò chuyện ngắn ngủi và xúc động về cái chết, tình yêu, hôn nhân, tiền bạc, sự hối hận,… Bên cạnh những đoạn trao đổi giữa hai người, những bài học hay còn đến từ việc nhìn nhận và đón nhận những sự thật hiển nhiên như ai rồi cũng sẽ già và yếu đi, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, và ra đi bất cứ lúc nào.
Quyển sách không có nhiều trang, nhưng Q đọc cả tuần mới xong. Vì cứ đọc được một lúc là lại ngồi liên tưởng đến bản thân, gia đình, và những gì đang diễn ra xung quanh. Có một cảnh báo nhỏ là cũng như phim “Bố Già” của Trấn Thành, Tuesday with Morrie cũng có khả năng làm người đọc rơi hơi nhiều nước mắt.
Hai cuốn này đều viết dưới dạng kể chuyện nên dễ đọc. Còn cảm được bao nhiêu thì tùy vào mỗi người. Cá nhân Q thì sẽ đọc lại mỗi năm, xem như cho mình cơ hội trò chuyện lại với chính mình, để sống có nghĩa và trọn vẹn hơn một chút.