Ở Quỹ Lương Văn Can, ngoài mối quan hệ với các bạn bè khác thì sinh viên còn có một mối liên kết đặc biệt với các Mentor. Chương trình Mentorship – Bạn đồng hành của Quỹ được tạo ra nhằm giúp từng bạn định hướng rõ nét hơn con đường sự nghiệp cũng như giá trị sống của mình. Hơn 4 năm hoạt động, Mentorship đã mang lại rất nhiều cảm xúc và vô vàn câu chuyện “cùng tiến” của các cặp mentor-mentee. Tuần này, mời bạn cùng lắng nghe chia sẻ của cặp ngẫu nhiên đầu tiên: Mentor Võ Minh Quân, CEO Inbound Marketing Partner và mentee Đỗ Thị Kim Ngân – sinh viên trường Đại học Ngoại thương TP.HCM.
Anh Quân đã tham gia làm mentor cho Quỹ Lương Văn Can từ năm 2019. Với kinh nghiệm làm Marketing lâu năm, anh phụ trách hướng dẫn cho 1 nhóm sinh viên có ngành học liên quan chuyên môn của mình, trong đó có Ngân. Anh cho biết, ấn tượng đầu tiên của mình về Ngân là 1 cô bé nhỏ nhắn, chân chất và nghiêm túc. Còn đối với Ngân, bạn cũng rất bất ngờ vì mentor – những người thành công và có vị trí nhất định, lại rất giản dị và gần gũi.
Sau 1 năm đồng hành cùng nhau, khi được hỏi về điều thích nhất ở “đối tác”, anh Quân không do dự mà khẳng định liền đó chính là thái độ cầu tiến. Ngân đến với tất cả các buổi trao đổi với một sự chuẩn bị trước những nội dung sẽ trò chuyện, trong buổi gặp thì rất chân thành kể ra những khó khăn mình đang thật sự gặp phải để nhờ anh tư vấn, sau đó thì có tổng kết lại các ý chính và thực hành những gì hai bên thống nhất. Nhờ đó mà sau một năm, Ngân đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Còn đối với Ngân, cô bạn cũng bày tỏ rất quý mến mentor, nhất là ở 2 điểm: đặt gia đình lên hàng đầu và luôn động viên mentee học cách yêu bản thân. “Anh Quân từng chia sẻ với tụi mình rằng anh rất bận, nhiều lúc công việc cuốn anh đi không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Nhưng tuần nào anh cũng cố gắng dành ra 1 khoảng thời gian cố định để thăm bố mẹ vì anh đặt gia đình là ưu tiên số 1. Mình cảm thấy điều đó rất quý giá vì khi tự nhìn lại bản thân, mình thấy mình không có nhiều thời gian dành cho gia đình kể từ khi vào đại học. Mình tập quan sát mối quan hệ với gia đình và nhận thấy một cuộc điện thoại của mình khiến ông vui cả mấy ngày liền. Chợt nhận ra mình đang bỏ lỡ hạnh phúc của người thân và của bản thân. Cha mẹ ông bà đều đã lớn tuổi rồi, việc mình chỉ đơn giản ở bên cạnh họ đã khiến họ rất vui. Trước đây mình không phải là người “nghe lời” cho lắm. Bây giờ mình luôn cố gắng đặt bản thân vào vị trí người khác để hiểu cho quan điểm của họ. Vì thế mà mối quan hệ giữa bản thân với gia đình cũng tích cực hơn, cảm thấy bản thân được yêu thương nhiều hơn”, Ngân bộc bạch.
Ngân cũng tự nhận mình là người tham lam và thích ôm đồm nhiều việc, chính vì vậy rất hay bị “quá tải”. Mentor đã giúp cô bạn nhận ra rằng nếu không yêu bản thân mình thì sẽ sớm bị bệnh, kéo theo chậm trễ hoàn thành công việc và cuối cùng là không làm được những việc khác mà mình dự định. Anh cũng hướng dẫn bạn biết lựa chọn và ưu tiên cái gì là quan trọng, cái gì là cần thiết nhất, trân trọng những điều trước mắt và làm tốt nhất cho điều đó. “Mình tập áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, sắp xếp lại những thứ nhỏ nhỏ và thấy bản thân ổn hơn rất nhiều. Định hướng hiện tại của mình vẫn là thử nhiều cái mới NHƯNG có chọn lọc hơn”, Ngân vui vẻ cho biết.
Nếu chọn 1 từ cho chương trình Mentorship thì theo Ngân đó là từ “thấu hiểu”. Đối với cô bạn nhỏ nhắn này, chuyện chịu thông cảm cho 1 người, chịu lắng nghe câu chuyện của họ quan trọng hơn đưa ra lời khuyên. Mối quan hệ, vị trí, tình cảnh… của mỗi người đều khác nhau. Bởi vậy theo Ngân, ta không nên đánh giá, phán xét khi không ở vị trí của họ, càng không nên đưa lời khuyên khi chưa thực sự hiểu cặn kẽ hay có kinh nghiệm.
“Thật may mắn mentor của mình là người lắng nghe tốt. Anh không phán xét vấn đề của tụi mình, con người của tụi mình, chỉ lắng nghe và đặt câu hỏi cho tụi mình tự ngẫm, tự trả lời. Đó là lý do vì sao mình rất thoải mái chia sẻ với anh, vì mình cảm thấy an tâm, tin tưởng và không bị áp đặt”.
Còn đối với anh Quân, đây không phải là lần đầu tiên làm mentor, vì vậy anh rất thấy hiểu các bạn sinh viên. Anh nghĩ rằng các bạn như Ngân rất may mắn khi được tham gia chương trình Mentorship, bởi bản thân các bạn có xuất phát điểm thấp hơn những bạn cùng trang lứa khác, nên mang trong mình những sự tự ti và tổn thương nhất định. Đó là động lực để các bạn phấn đấu mạnh mẽ, nhưng cũng là áp lực khiến các bạn dễ cảm thấy mệt mỏi hoặc liên tục chạy theo những giá trị sống không phù hợp với bản thân.
Là những người đi trước đã từng trải qua những cảm giác và kinh nghiệm đó, nên anh có thể đặt những câu hỏi giúp các bạn tự nhìn lại mình và điều chỉnh kế hoạch cuộc đời, để hướng tới việc có một cuộc sống thật sự thành công và hạnh phúc. Tất nhiên, theo anh, mentor chỉ là người đồng hành trong một thời gian ngắn và là tác nhân bên ngoài. Việc Ngân hoặc các mentee khác có thật sự trưởng thành được hay không là do chính các bạn. “Nếu các bạn nghiêm túc với mối quan hệ này, chân thành chia sẻ những vấn đề thật và quan trọng, chủ động áp dụng những gì đã tiếp thu được để thay đổi cách suy nghĩ và hành động, thì chắc chắn là sẽ tiến bộ hơn.
Cá nhân anh cũng làm mentor cho nhiều chương trình và đối tượng khác nhau. Đối với các bạn sinh viên của Quỹ Lương Văn Can thì mentor phải có những cách tiếp cận rất khác so với các bạn đã đi làm hoặc chủ doanh nghiệp. Nhưng niềm vui khi thấy các bạn trưởng thành hơn sau mỗi lần gặp thì rất lớn, và đó chính là động lực để anh đồng hành cùng các bạn trong suốt 1 năm vừa qua”, anh Quân chia sẻ.
Nguồn: Human of LVCF