Cách đây 8 năm, Q đã từng đi học lồng tiếng phim ở nhà văn hoá Điện ảnh.
Lý do chính là để khắc phục cách mình nói chuyện.
Khi đó, “gốc công nghệ” vẫn còn nặng nên Q nói chuyện rất nhanh nhưng đứt quãng, giọng yếu, và không truyền cảm. Có nhiều lần gặp khách hàng xong, Q cảm thấy rất bức bối vì không chia sẻ được tốt những gì có trong đầu.
Nhờ khoá học đó mà Q kiểm soát được giọng nói: biết cách lấy hơi từ bụng để nói được mạnh và lâu hơn, biết cách nhấn nhá và ngắt câu cho phù hợp với nội dung và mục tiêu giao tiếp. Hiện tại thì khả năng nói của Q không phải là xuất sắc, nhưng cũng không còn là khuyết điểm nữa.
Một trong những điều tạo động lực để Q quyết tâm khắc phục điểm yếu của mình là “Nguyên lý thùng gỗ” (Law of the Minimum): “Một chiếc thùng do nhiều thanh gỗ khác nhau ghép lại thì mực nước nhiều nhất mà thùng chứa được sẽ bị giới hạn bởi chiều cao của thanh gỗ ngắn nhất.”
Thùng có thể chứa được bao nhiêu nước không quyết định bởi thanh dài nhất mà bởi thanh ngắn nhất. Thanh gỗ ngắn nhất này trở thành “khuyết điểm” của chiếc thùng. Nếu muốn thùng chứa được nhiều nước hơn thì ta phải thay thanh ngắn đó bằng thanh dài hơn.
Q rất ủng hộ chuyện nên tập trung vào việc nhận diện và phát huy sở trường của bản thân, hơn là nhìn mãi vào những điểm không phải là thế mạnh của mình. Nhưng nếu có một hoặc vài điểm hạn chế đang ngăn cản chúng ta đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong cuộc sống, thì nên tìm cách nối dài thanh gỗ ngắn đó ra.
Hay nói một cách ngắn gọn hơn là cứ thấy bản thân đang bị “lủng” chỗ nào thì nên “vá” chỗ đó.
Còn làm sao để nhận diện và khắc phục những điểm yếu của bản thân thì sẽ là chủ đề của một bài viết khác. :D
Mong anh mau ra bài về nhận biết và khắc phục điểm yếu, em thich cách anh viết lắm
Cảm ơn chia sẻ của anh!
Mình cũng muốn cải thiện giọng để thuyết trình tốt hơn, bạn có thể chia sẻ thêm nhiều cách cải thiện không?