Những ai làm quản lý hoặc giám đốc vài năm thì sẽ có trải nghiệm cuối tuần nhận được những bức “tâm thư” của nhân sự xin nghỉ việc, với nhiều lý do và lời cảm ơn công ty. Buồn nhất sẽ là khi email này được gửi từ những thành viên chủ chốt hoặc tiềm năng, mang theo rất nhiều hy vọng và dự định của công ty dành cho bạn ấy.

Sau gần 9 năm ngồi ở “ghế nóng”, Q cũng quen với chuyện này. Và thường Q sẽ hẹn trao đổi riêng với bạn vào đầu tuần sau. Mục tiêu chính là để hỏi thăm về định hướng mới, đưa cho bạn một số lời khuyên, hỏi về kế hoạch bàn giao, và quan trọng nhất là tìm hiểu lý do thật để có phương án điều chỉnh đội ngũ. Nhưng sẽ không phải để giữ bạn lại, vì một khi nhân viên đã xin nghỉ thì mọi chuyện đã xong rồi.

Đằng sau những lý do thường được nêu ra về gia đình, sở thích,…là những nguyên nhân thật như không hài lòng với mức lương hiện tại, cảm thấy mất cân bằng trong cuộc sống, chưa được công ty nhìn nhận đúng mức, hay ghét cái thái độ của thằng bàn bên.

Điều đáng buồn nhất là thường những lý do đó có thể được giải quyết nếu sếp và công ty biết. Nhưng đa số mọi người chọn cách âm thầm chịu đựng và sau một thời gian thì sẽ quyết định đi qua môi trường khác.

Hãy tưởng tượng bạn muốn được tăng lương nhưng không dám nói với sếp, và lặng lẽ tìm việc chỗ khác với mức thu nhập cao hơn. Và khi đó công ty muốn tăng lương để giữ bạn thì cũng đã muộn vì bạn thấy ở lại thì… kỳ vì sợ mang tiếng “ham tiền” và đã lỡ nhận việc ở công ty mới. 

Tất nhiên công ty phải có trách nhiệm quan sát và chủ động thực hiện những hoạt động cần thiết để nhân viên cảm thấy hài lòng và gắn kết với tổ chức. Nhưng giữa một rừng những việc cần làm, sếp sẽ rất khó để nhận biết tất cả những vấn đề nếu bạn không chủ động chia sẻ. 

Nếu công ty biết lắng nghe và trân trọng bạn, họ sẽ thay đổi. Còn nếu không thì ít nhất bạn cũng đã cố gắng giao tiếp và có thể ngẩng cao đầu nghỉ việc sau khi đã cho công ty một cơ hội, và cho chính bạn một cơ hội để tiếp tục hợp tác. 

Bên kia đồi cỏ không xanh hơn, công ty nào cũng có những vấn đề riêng mà từ ngoài nhìn vào không thấy được. Nếu bạn không tập cho mình thói quen lên tiếng để đóng góp xây dựng một môi trường và công việc như mong muốn thì sẽ phải nhảy việc thường xuyên. 

Đừng ôm một nỗi sầu không nói ai rồi cuối cùng một ngày quyết định ra đi. Hãy chủ động trình bày vấn đề và đề xuất giải pháp để làm chủ sự nghiệp của mình.