Mọi thứ bạn cần biết để lên kế hoạch Marketing hiệu quả chỉ trên một trang giấy.
One-page Marketing Plan là bảng kế hoạch Marketing trên 1 trang giấy giúp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Theo đúng nghĩa đen, tài liệu này sẽ giúp chủ doanh nghiệp vạch ra kế hoạch Marketing chỉ trên một trang giấy với đầy đủ những yếu tố quan trọng và ảnh hướng đến sự tồn tại và phát triển của mình.
Trên một trang giấy này có 3 Giai đoạn quan trọng trong hành trình tiếp thị, gọi là “Trước”, “Trong” và Sau”. Mỗi giai đoạn bao gồm ba ô vuông tượng trưng cho 3 yếu tố then chốt.
Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về các giai đoạn và yếu tố trong bảng kế hoạch này nhé!
-
Chặng “Trước” (Khách hàng tiềm năng)
Trong giai đoạn này, đối tượng chính của doanh nghiệp là những khách hàng tiềm năng, có thể họ vẫn chưa biết đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Nhưng bước đầu này sẽ xác định thị trường mục tiêu, từ đó tạo ra một thông điệp đủ để hấp dẫn thị trường thông qua các phương tiện quảng cáo.
Mục tiêu lúc này là thu hút khách hàng tiềm năng biết đến và có sự tương tác với doanh nghiệp. Khi đó, họ sẽ bước sang giai đoạn thứ hai của hành trình tiếp thị.
Ô 1 – Lựa chọn thị trường mục tiêu (Target Market)
Việc xác định này rất quan trọng trong quá trình tiếp thị, giúp đảm bảo thông điệp của doanh nghiệp được lan tỏa rộng hơn, quảng bá hiệu quả hơn. Nếu ngay bước đầu, doanh nghiệp xác định đúng thị trường, thì lợi nhuận thu được không chỉ là vật chất mà còn là thời gian và nỗ lực đã bỏ ra.
Ô 2 – Tạo ra thông điệp (Message to Target Market)
Thông điệp là giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến khách hàng tiềm năng, vì vậy, nó cần phải đủ nổi bật để thu hút sự chú ý và tạo tương tác với doanh nghiệp.
Ô 3 – Phương tiện truyền tải (Media to Reach Target Market)
Mỗi đối tượng mục tiêu sẽ có một cách tiếp cận khác nhau. Do đó việc lựa chọn đúng phương tiện truyền tải sẽ khiến họ dễ dàng biết đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp.
-
Chặng “Trong” (Người quan tâm)
Trong giai đoạn này, đối tượng doanh nghiệp nhắm đến là khách hàng tiềm năng. Những người này đã biết và quan tâm đến sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Từ đó, doanh nghiệp có thể tổng hợp và lưu trữ được thông tin của họ, để tiếp tục “nuôi dưỡng” và chuyển đổi họ bằng cách cho họ biết nhiều hơn về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Mục tiêu lúc này là khiến khách hàng tiềm năng yêu thích doanh nghiệp và quyết định mua hàng. Khi đơn hàng đầu tiên đã hoàn tất, họ chính thức trở thành khách hàng của bạn và chuyển sang giai đoạn cuối cùng.
Ô 4 – Giữ chân Người quan tâm (Lead Capture System)
Tỷ lệ mà khách hàng tiềm năng quan tâm và sẵn sàng mua hàng ngay lập tức là rất thấp, vì vậy ta cần lưu trữ thông tin của họ để theo dõi trong thời gian tới. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần xây dựng quy trình bán hàng rõ ràng để đưa ra đúng giải pháp cho vấn đề của họ.
Ô 5 – Chăm sóc Người quan tâm (Lead Nurturing System)
Để khách hàng tiềm năng chuyển từ phát sinh nhu cầu đến quyết định mua, doanh nghiệp cần thể hiện sự quan tâm và chăm sóc của mình dành cho họ, khiến họ có xu hướng muốn mua ngay cả trước khi được chào hàng.
Ô 6 – Chuyển đổi khách hàng (Sales Conversion Strategy)
Bây giờ, khách hàng tiềm năng đã biết và quan tâm đến doanh nghiệp, vậy làm thế nào để họ tin tưởng và mua hàng? Doanh nghiệp cần định vị đúng giá trị để làm cho quá trình chuyển đổi khách hàng dễ dàng và tự nhiên hơn.
-
Chặng “Sau” (Khách hàng)
Ở giai đoạn này, đối tượng tiềm năng chuyển đổi thành khách hàng bởi họ yêu thích và đã mua các sản phẩm/dịch vụ từ doanh nghiệp. Mục tiêu của giai đoạn cuối là chuyển đổi họ bằng những trải nghiệm tốt nhất, khiến khách hàng tin tưởng và mua hàng nhiều hơn, từ đó, xây dựng danh tiếng thương hiệu bền vững.
Ô 7 – Cung cấp trải nghiệm tốt nhất (Deliver A World Class Experience)
Khi doanh nghiệp mang đến trải nghiệm tốt, sẽ khiến khách hàng trung thành và mua hàng thường xuyên hơn. Việc cần làm lúc này là triển khai các hệ thống quản lý phù hợp để đem lại dịch vụ sau mua hàng khiến khách hàng nhớ mãi không quên.
Ô 8 – Tăng vòng đời khách hàng (Increase Customer Lifetime Value)
Doanh thu chỉ được tạo ra khi doanh nghiệp tăng giá trị vòng đời khách hàng. Vì vậy, các chiến lược và chiến thuật cần được kết hợp với nhau để thu hút khách hàng chi tiêu nhiều hơn, quản lý và liên tục cải thiện các chỉ số khác của doanh nghiệp.
Ô 9 – Thúc đẩy lời giới thiệu (Stimulate Referrals)
Bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn thương hiệu và hình ảnh của mình được lan rộng. Bằng cách cung cấp trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng hiện tại, doanh nghiệp sẽ có thể tận dụng lời giới thiệu của họ đến những khách hàng mục tiêu khác. Đa phần người tiêu dùng tin tưởng người quen hoặc lời giới thiệu của khách hàng khác hơn là quảng cáo từ doanh nghiệp. Do đó, đây cũng là một phần của quy trình Marketing giúp doanh nghiệp trở nên đáng tin cậy hơn.
Nguồn: Successwise
Hy vọng bài viết này đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về một bảng kế hoạch Marketing cần thiết cho doanh nghiệp. Bạn đang có kế hoạch kinh doanh riêng hay đang cần xem xét lại hoạt động của doanh nghiệp mình? Hãy đăng ký nhận template “Kế hoạch Marketing trên 1 trang giấy” để thực hành ngay nhé!