Câu hỏi: Mẹo tâm lý nào thay đổi cuộc đời bạn?
Trả lời: Kartik Nagare, Sinh viên Khoa Tâm lý, Đại học Indira Gandhi
Tình huống:
Công việc của tôi liên quan đến Công nghệ thông tin. Khi tôi còn làm việc ở công ty cũ, tôi đã phạm phải sai lầm khủng khiếp khiến sếp nổi cơn thịnh nộ. Anh đã gọi tôi đến phòng họp và mắng tôi như thể tôi chẳng ra gì.
Anh đã quát liên tục vào mặt tôi.
Sai phạm đó không hẳn thuộc về tôi. Anh đồng nghiệp tham gia cùng dự án có thâm niên lâu hơn nên khi anh ấy đưa ra đề xuất, tôi đã làm theo và điều đó đã gây hại đến một phần vận hành của hệ thống. Khi ấy, tôi chỉ là người mới, với 6 tháng kinh nghiệm làm việc.
Đối với bất cứ người bình thường nào, tôi chỉ có ba hướng để lựa chọn.
Một là tôi giải thích với sếp về việc lỗi không chỉ thuộc về mỗi mình tôi, còn có đồng nghiệp khác gây ra sai lầm này. Điều này khiến sếp hạ cơn tức giận với tôi và chuyển phân nửa sang anh đồng nghiệp. Và sau đó, tôi làm hỏng mối quan hệ của tôi và anh ấy.
Hai là tôi phủ nhận tất cả những lỗi lầm và thái độ về việc sếp đang hét vào mặt tôi là sai. Sau đó thì tôi đắc tội với sếp và làm mích lòng anh đồng nghiệp.
Phương án cuối cùng là tôi chấp nhận toàn bộ trách nhiệm để chịu tội thay anh đồng nghiệp. Và rồi cấp trên sẽ nghi ngờ về khả năng làm việc của tôi.
Cả 3 phương án trên, tôi đều không chọn: Tôi chỉ im lặng và lắng nghe.
Tôi không thốt ra một lời nào và thẫn thờ nhìn anh sếp, hứng chịu mọi lời cay nghiệt từ anh trong suốt 15 phút trôi qua. Không tranh cãi, không giải thích lời nào.
Tôi lắng nghe, lắng nghe và chỉ lắng nghe.
Khi anh ấy trút hết cơn giận, tôi chỉ nói “xin lỗi anh, sự việc này sẽ không xảy ra lần nữa”, rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Sau giờ trưa hôm đó, anh rất lịch sự hỏi chuyện với tôi như mọi khi, hỏi han xem tôi thế nào rồi. Anh ấy giải thích rằng anh không cố ý lớn tiếng nhưng đây là dự án vô cùng quan trọng và cần tiến hành cẩn thận … vân … vân.
Anh ấy là Người Khổng Lồ Xanh à? Cơn giận dữ, cơn thịnh nộ của anh khi ấy đâu mất rồi.
Lúc này, tôi từ từ kể lại những việc tôi làm, rằng tôi đã làm theo một lời đề nghị từ anh đồng nghiệp có kinh nghiệm lâu năm hơn. Và rồi, tôi cũng nhận trách nhiệm và không muốn đẩy nó cho bất kỳ ai, bởi điều đó có thể làm mất lòng giữa các đồng nghiệp. Khi nghe tôi nói hết, anh ấy trầm ngâm một lúc, rồi lại cười và nói tôi lần sau hãy cân nhắc cẩn thận. Thế là tôi rời khỏi phòng hợp với nụ cười hé trên môi.
Mẹo tâm lý:
Khi một người đang tức giận, bạn đừng nên chống đối lại họ. Hãy chịu đựng để nghe những gì họ nói, kể cả khi đó là những lời sỉ nhục nặng nề vẫn, bạn cứ giữ bình tĩnh. Sau khi cơn thịnh nộ qua đi, cảm giác tội lỗi của họ sẽ kéo đến và lời xin lỗi cũng sẽ đến. Đến lúc này, người đó sẽ không la hét hay giận dữ với bạn thêm nữa.
Nếu anh sếp không chủ động gặp tôi sau giờ trưa hôm đó, thì tôi cũng đến gặp và giải thích những gì đã xảy ra khi anh ấy bình tĩnh lại.
Vấn đề chính ở đây là lúc anh ấy đang nổi cơn thịnh nộ, tôi cãi lại anh thì sau đó sẽ rất bất lợi để tôi có cơ hội giải thích với anh.
Bạn không lên tiếng không có nghĩa là bạn yếu thế. Nhưng không phải ai cũng đủ bình tĩnh trong cơn tức giận, chúng ta nên đưa ra quan điểm sắc bén của mình khi đối phương đủ bình tĩnh và có thể suy nghĩ thấu đáo.
Mẹo này luôn phát huy hiệu quả, tôi tin là vậy! Hi vọng điều này có ích cho bạn.
Nguồn: Quora