Nếu một ngày thức dậy, bạn quyết định đi du lịch Đài Loan tự túc, thì có 3 việc bạn cần phải làm:
1: Đọc tất cả những bài viết chia sẻ kinh nghiệm du lịch Đài Loan để xác định những địa điểm và hoạt động mình muốn tham gia
2: Lên một kế hoạch du lịch rõ ràng, để tránh những rắc rối không đáng có
3: Đặt mua các mini tours, vé tàu xe và sim card trước khi đi, để tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí
—
Quân tự xem mình cũng là một người hay “xê dịch”; chưa đến mức chạy xe máy từ Nam ra Bắc, ăn dầm nằm dề ở từng địa phương, nhưng cũng đã vác ba lô lang thang khá nhiều hang cùng ngõ hẻm của nhiều nước. Mỗi chuyến đi đều có những dấu ấn riêng, nhưng chưa chuyến nào để lại nhiều dấu ấn như đợt đi Đài Loan tháng 2 năm nay.
Một số nguyên nhân làm cho 7 ngày của Q ở đó thật đặc biệt:
- Lần đầu tiên sử dụng Couchsurfing, ở nhà hai người chưa bao giờ gặp mặt.
- Đến một quốc gia rất ít sử dụng tiếng Anh, nhưng người dân lại quá hiếu khách.
- Lịch trình tham quan rất kỳ quái và có nhiều tiếc nuối.
Couchsurfing: gắn kết thật sự với người bản địa
Trừ khi đi công tác, được công ty cho ở khách sạn, những lúc đi tự túc, Q toàn ở Hostel vì chi phí thấp (khoảng $10 – $25/đêm), và có nhiều cơ hội làm quen và giao lưu với nhiều bạn mới. Như lần đi Honolulu, Q đã “nhập bọn” cùng 1 anh Nhật, 1 anh Hàn, 1 anh Bồ Đào Nha để “leo” Diamond Head Mountain. Đó là lần đầu tiên hiking và trở nên có hứng thú với bộ môn này. Hay trong lần đi Hong Kong, Q rủ 1 anh Mỹ ra bar khu Wan Chai uống bia, nói chuyện linh tinh trên trời dưới đất đến khuya. Mỗi bạn mời người kia 2 chai (tính ra là huề). Những trải nghiệm đó rất vui, nhưng thường không sâu, và chủ yếu là những du khách từ các khu vực khác nhau trò chuyện hay đi chơi chung.
Cho đợt này, Q chọn CouchSurfing (CS) để có được sự kết nối với người dân và văn hoá địa phương. Tổng cộng trong chuyến đi, Q có ba đêm ở với một bạn ở Đài Trung có gia đình bán phế liệu và đậu hủ thúi (nên ấn tượng ban đầu hơi bị không tốt) và ba đêm ở cùng phòng với một anh Pháp qua Đài Bắc ở chỉ để học và thực hành tiếng Hoa.
Bạn ở Đài Trung rất thoải mái, dành luôn một phòng khá lớn để cho CouchSurfers ngủ chung. Bạn ở Đài Bắc thì mỗi lần chỉ cho một người ở, và có đủ thứ quy định về phân loại rác, rửa chén, tắm, chỗ để giày, giặt đồ,…mà khách phải làm theo. Tuy khó tính, nhưng bạn rất quan tâm đến bạn cùng phòng, và chịu khó chia sẻ đủ thứ về khác biệt văn hoá Đông – Tây và kinh nghiệm du lịch bụi “siêu nhẹ” – nhẹ cỡ đi vòng quanh thế giới chỉ với 1 cái balo nhỏ, trong đó có 3 bộ quần áo và vài vật dụng linh tinh.
Điểm chung của hai bạn là rất hiếu khách, nhiệt tình và luôn sẵn sàng để kể chuyện và lắng nghe một cách rất chăm chú. Nên nếu bạn nào không ngại ở nhà người lạ, và muốn có những trải nghiệm sâu sắc và thú vị hơn, thì CS là một trong những lựa chọn tốt nhất. Và cũng giúp mình tiết kiệm được chi phí ở khách sạn nữa. 😀
Cách bắt đầu với CS tốt nhất là tạo một profile trên website www.couchsurfing.com, chia sẻ “chân dung du lịch” của mình, nêu lý do tại sao người khác nên mở rộng cửa cho bạn vào nhà , và giao hẳn chìa khoá cho bạn giữ vài ngày. Sau đó thì chịu khó tìm hiểu thông tin và điều kiện của chủ nhà bạn muốn ở để xem hai người có thật sự phù hợp với nhau không, và gửi cho họ một yêu cầu rất ngắn gọn và thuyết phục. Nhờ nghiên cứu kỹ mà Q chỉ gửi đúng 2 yêu cầu cho 2 người, và đều được đồng ý ngay.
Người dân Đài Loan rất hiếu khách. Và đất nước của họ thì ít sử dụng tiếng Anh.
Ở những nước khác Q từng đến, tiếng Anh rất thông dụng, nên bất cứ khi nào gặp vấn đề gì về phương hướng, thông tin thì mình chỉ cần hỏi người dân địa phương là giải quyết được. Chuyện này không xảy ra ở Đài Loan.
Vừa bay từ Việt Nam đến Đài Trung, Q đã bị lạc. Như thường lệ, ngày đầu tiên ở nước bạn, Q quăng ngay ba lô ở phòng, và đi lang thang không chủ đích để cảm nhận sự khác biệt về không khí, cảnh quan và con người xứ đó. Không may là việc mua Sim 3G ở Đài Trung là một chuyện không hề dễ dàng, và cũng rất ít người ở đó nói được tiếng Anh. Hậu quả là sau khoảng 3 tiếng đi vòng vòng, Q đã không biết đường về. Cũng hên là tìm được một quán cafe mở xuyên đêm để sử dụng wifi tải bản đồ về điện thoại.
Do từ trước đến giờ quá phụ thuộc vào công nghệ và các bảng chỉ đường công cộng, nên chuyến du lịch Đài Loan này lập đã kỷ lục về số lần Q bị lạc hay đến trễ. Kinh hoàng nhất là hơn nửa tiếng đi vòng vòng ở nhà ga để tìm xe buýt chở ra sân bay, dưới trời mưa tầm tã và vác thêm mười mấy Kg hành lý. Lý do là bến đỗ bình thường của xe này bị dời qua cổng khác, mà Q đọc không hiểu nên không tìm thấy, và đi vòng vòng, hỏi thăm gần chục người mà không ai hướng dẫn được.
May mắn là người dân Đài Loan vô cùng nhiệt tình. Một chị trưởng cửa hàng sau hai mươi phút không thể bán và kích hoạt sim 3G cho Q đã gọi điện nhờ chồng và sau đó là con trai tới cứu viện. Cả gia đình loay hoay mãi mới bán được một cái sim, một cái bánh ngọt và chai nước suối cho mình. Hay một chị khách hàng khác đang mua đồ trong 7 Eleven, thấy mình hỏi thăm đường lúc nửa đêm đã lấy xe hơi chở mình đến tận nơi, và khoe rằng chồng chị cũng đang công tác ở Việt Nam. Tất cả mọi người đều hướng dẫn mình một cách rất tận tình, gác hẳn những việc họ đang làm để giúp đỡ cho xong mới thôi.
Nên nếu bạn sang Đài Loan, gặp vấn đề gì, hãy cứ tìm người gần nhất và hỏi. Nhớ trang bị thêm một điện thoại có 3G và Google Translate. Họ sẽ rất kiên nhẫn đợi bạn dịch và làm tương tự để bạn hiểu.
Sai lầm lớn nhất chuyến đi: không có lịch trình du lịch cụ thể.
Như đã chia sẻ ở trên, điểm đến đầu tiên của Q không phải là Đài Bắc, mà là Đài Trung, nơi mà phương tiện giao thông và các dịch vụ không dành cho những người không biết chút tiếng Hoa nào.
Đến Đài Loan, Q cũng chỉ có trong đầu một số điểm mình muốn tới (VD: Cửu Phần, Alishan, Taipei 101, Din Tai Fung,…). Còn chuyện đến đó như thế nào, vào lúc nào thì không chuẩn bị sẵn. Do không nghiên cứu trước cách đi đến những địa điểm ở xa, nên Q đến được Alishan cũng hơi vất vả, phải đổi tàu vài lần. Cũng may là “rủ rê” được hai bạn Hàn Quốc đi chung taxi lên núi cho đỡ tốn tiền và tiết kiệm thời gian chờ xe bus.
Mặt tích cực của việc này là chuyến đi có phần thư thả, không bị áp lực là phải “viếng” hết các điểm tham quan nổi tiếng, thích thì lên xe đi, không thì ra quán cafe ngồi đọc sách, nghe nhạc hay ra công viên nhìn người ta đi qua đi lại. Mặt tiêu cực là Q không đến được một số chỗ mình muốn đi, và tệ hơn là mất quá nhiều thời gian tìm đường nên đến nơi trễ giờ và không được vào.
Do đó, Q không khuyến khích các bạn làm theo cách của Q. Hãy chuẩn bị trước thật kỹ cho một quốc gia đặc biệt như Đài Loan, để không bỏ lỡ những điểm đến hấp dẫn, và bị những phen hú vía hay tiếc hùi hụi. Nhưng cũng đừng lên lịch quá kín, đến mức không có những khoảng thời gian cảm nhận cuộc sống hiện đại nhưng không vội vàng của người dân Đài Loan (khác hẳn với Hong Kong luôn năng động và vội vã).
Bên cạnh những lúc ngắm cảnh đẹp đến ngẩn ngơ ở Alishan, Sun Moon Lake, Jiufen,…thì Q cũng có những niềm vui giản dị ở Đài Loan khi đứng đợi mua bánh Waffle nhân Bacon ngay giữa Đại học Quốc gia Đài Bắc hay vô tình chọn được một quán bán cả hai món ốp la hàu và thịt nai quá ngon trên đường ra chợ đêm Raohe. Những khoảnh khắc này cũng góp phần làm cho chuyến đi trở nên đẹp và đáng nhớ hơn hẳn.
KKDay và Q ở Đài Loan.
Bên cạnh CS, chuyến đi này cũng có những điểm nhấn thú vị liên quan đến KKDay, một trang web chuyên bán các Mini tour và các dịch vụ phổ biến và cần thiết như vé tàu, vé tham quan, sim 3G, cục phát wifi, …
Nhờ đặt online trước khi qua, mà xuống sân bay Đài Trung, Q được một bác lái xe đến đợi đón và chở thẳng về nhà bạn CS. Nếu không có dịch vụ này thì chắc Q cũng sẽ tìm được cách đến nơi, chỉ là chậm hơn vài tiếng, hoặc là mất khá nhiều tiền cho taxi.
Một trong những chuyện ân hận nhất của chuyến đi là Q đã gắt gỏng với nhân viên KKDay qua điện thoại. Lý do là trên chuyến xe taxi hãi hùng, phóng như bay từ Chiayi lên Alishan, Q đã buồn nôn đến mức không dám mở miệng ra. Vậy mà nhân viên KKDay cứ gọi liên tục để hỏi và đề nghị mình cân nhắc lại chuyện lỡ đặt 2 tour đi Sun Moon Lake và Cingjing Farm quá sát nhau. Sau 2 – 3 cuộc điện thoại, Q thấy bạn có lý và cũng muốn kết thúc nhanh (không thì ọc ra mất) nên đồng ý huỷ luôn chuyến đi Cingjing. Lên đến nơi, ngẫm lại mới thấy bên đó làm việc rất có tâm, vì nếu họ mặc kệ thì cho dù khách không kịp đi chuyến sau cũng là do lỗi của khách thôi.
Vui nhất là lúc xe của dịch vụ chở ra Sun Moon Lake, tài xế dừng lại giữa đường để dùng Google Translate tư vấn cho Q về địa điểm dừng xe tốt nhất khi đến hồ. Hai người lần lượt điền vào điện thoại, bấm “dịch” rồi đưa người kia xem. Hết nửa tiếng!
Lúc về đến VN, Q ngồi đọc blog KKDay thì mới biết là các bạn ấy đã chia sẻ rất chi tiết về tất cả những điểm mình muốn và đã đến, và cả những dịch vụ có thể (và nên) sử dụng khi đến Đài Loan. Phải chi mà…! 😔
Rút kinh nghiệm từ đợt này, trong chuyến đi sau, Q chắc chắn sẽ làm những việc dưới đây:
- Đọc lại hết các bài kinh nghiệm du lịch Đài Loan trên blog KKDay, và thêm cả các blog của Bill Balo, Vinh Gấu,…để tìm hiểu kỹ các địa điểm muốn đi và cách đi cụ thể.
- Lên kế hoạch du lịch cụ thể, nhưng vẫn cho thời gian thong thả chút để có thể dạo phố, đi windows shopping hay rủ host CS đi chơi đâu đó.
- Mua trước một số dịch vụ cần thiết như đưa đón từ sân bay đến chỗ ở, tàu HSR, sim 3G/cục phát Wifi,…và đặt luôn các tour đi đến những điểm thú vị, để có tâm trí tận hưởng thay vì tất tả lo chuyện đi lại. Mà cũng tiết kiệm được vài chục % chi phí nữa.
Viết xong tự thấy đây là bài viết về du lịch có tâm nhất từ trước đến giờ của Q. Đó giờ Q chỉ up album hình lên rồi thôi.
Cám ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây. Nếu bạn cũng có trải nghiệm “không thể quên” như Q khi đi du lịch thì hãy chia sẻ với Q ở phần comment bên dưới nha!
Q