5 Tiêu Chí Lựa Chọn Đối Tác Marketing Cho Mô Hình Revenue Sharing
Bạn là chủ doanh nghiệp e-commerce muốn go global? Bạn có một sản phẩm tốt, biên lợi nhuận ổn? Bạn hứng thú với mô hình Revenue Sharing và muốn tìm kiếm một partner đủ tin cậy để đi đường dài với mình?
Từng đóng cả hai vai – người thuê đối tác và người vận hành mô hình này – mình rút ra được một vài điểm quan trọng, hy vọng sẽ giúp bạn chọn mặt gửi vàng tốt hơn.
1. Có đội ngũ chuyên sâu
Đây là chuyện đương nhiên để tăng khả năng thành công của việc hợp tác, đặc biệt đội ngũ có chuyên môn mảng bạn muốn triển khai để đảm bảo cho cả tốc độ lẫn chất lượng của công việc. Tìm đúng người sẽ giúp bạn rút ngắn đáng kể hành trình “thử-sai-sửa” và tiến nhanh hơn thay vì mắc kẹt trong những bài học tốn kém.
Ví dụ: để bán hàng trên website thành công, thì đối tác cần có các năng lực lõi như xây dựng, tối ưu, quản lý website Ecom, chạy QC, Email Marketing, làm Creatives, quản lý dự án,…
2. Có Case Study liên quan
Thành tích cụ thể sẽ chứng minh cho chuyên môn và kinh nghiệm của đối tác. Không nhất thiết phải là các con số quá hoành tráng, chỉ cần nó ở mức mà bạn đang hướng tới. Nhất là Case Study này càng giống với mô hình kinh doanh hoặc ngành nghề và thị trường của bạn thì càng tốt.
3. Có tư duy kinh doanh
Để tạo ra doanh thu thì team triển khai cần hiểu được doanh thu từ đâu mà tới, và được hình thành từ những yếu tố nào. Một công ty có cái nhìn tổng thể sẽ không bị thu hẹp trong hướng tiếp cận và cách giải các bài toán lớn. Như vậy thì bạn cũng tránh được các trường hợp như vượt KPI về số bài viết, traffic, tỷ lệ mở email, … mà doanh thu lại không thấy đâu.
4. Khả năng học hỏi và thay đổi nhanh
Thị trường, công nghệ, và khách hàng thay đổi từng ngày, chưa kể tới thực tế là doanh nghiệp có nhiều giả định cần kiểm chứng càng nhanh càng tốt, càng mất ít tiền càng tốt. Do đó, sự linh hoạt và tốc độ thích nghi của team sẽ giúp doanh nghiệp của bạn giữ phong độ hiện tại và tăng khả năng mang về doanh thu trong tương lai.
5. Giao tiếp rõ ràng và chuyên nghiệp
Mô hình này khiến team của bạn và đối tác hợp tác với nhau rất chặt chẽ như team một nhà. Đôi khi điều này sẽ dẫn tới việc giao tiếp đại khái và qua loa, khiến cho chủ doanh nghiệp cảm thấy mơ hồ, không hiểu hết được chính xác chuyện gì đang diễn ra với các hoạt động marketing. Do đó, những đối tác có quy trình và công cụ giao tiếp rõ ràng, tinh gọn và chuyên nghiệp sẽ giúp bạn dễ dàng nắm rõ cơ chế hoạt động, con số và kế hoạch triển khai. Có như vậy thì bạn mới yên tâm phối hợp tốt với họ.
Chọn đối tác cho mô hình Rev. Sharing là một quyết định quan trọng và cần nhiều sự cân nhắc. Nhưng nếu chọn đúng thì chủ doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều năng lượng, thời gian, và chi phí. Đồng thời có thể yên tâm tập trung nguồn lực vào những mảng vô cùng quan trọng khác như phát triển sản phẩm.
Như vậy thì 1 + 1 mới không chỉ bằng 2 mà có thể là 3, 5, hay thậm chí là 10.
Hy vọng những chia sẻ thực tiễn ở trên sẽ giúp bạn tìm được “ý trung nhân” cho doanh nghiệp của mình!
Share this article
Connect with me
Most read
Revenue-sharing Model